Thứ bảy 19/04/2025 - 15:20
Thời sự Nông nghiệp - Môi trường
Cám gạo: Từ phụ phẩm thành mặt hàng xuất khẩu giá trị
Thứ Tư 16/04/2025 - 16:01
Với quy mô sản xuất khoảng 5 triệu tấn cám gạo mỗi năm, Việt Nam có đủ tiềm năng để đưa mặt hàng này thành mũi nhọn xuất khẩu, nếu kết hợp chế biến sâu.
- Việt Nam ký 4 nghị định thư nông nghiệp, 3 thỏa thuận môi trường với Trung Quốc
- Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo trích ly
- Xử lý nước thải bằng cám gạo và đất sét
Thị trường tỷ USD toàn cầu
Cám gạo, một thời gian dài được xem là một phụ phẩm không có giá trị cao trong ngành sản xuất gạo, thường được dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, sau nghị định thư vừa ký giữa Việt Nam và Trung Quốc, người nông dân sẽ có một cái nhìn khác về mặt hàng này.
Dù chưa có số liệu chính thức về thị trường cám gạo toàn cầu, các chuyên gia dự đoán có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Nguyên do bởi các phân khúc liên quan như thị trường dầu cám gạo toàn cầu được định giá khoảng 7,86 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 18,35 tỷ USD vào năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 10%.

Quy mô thị trường giao dịch cám gạo phát triển nhanh thời gian qua. Ảnh: NNMT.
Hoặc thị trường bã cám gạo đã tách dầu được định giá khoảng 916,5 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 1,31 tỷ USD vào năm 2031, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 4,5%.
Cám gạo từng bước trở thành một mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị đáng kể cho nền kinh tế. Thực tế, các thị trường nhập khẩu cám gạo chính trên thế giới thường là những quốc gia có nhu cầu cao về thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chế biến thực phẩm, hoặc công nghiệp mỹ phẩm.
Có thể kể ra, châu Âu có Hà Lan, Pháp, Đức, họ nhập khẩu cám gạo để làm cả thực phẩm và mỹ phẩm. Trung Quốc, với đàn lớn hàng đầu thế giới, cũng nhập khẩu một lượng lớn cám gạo để sản xuất thức ăn gia súc. Ngay cả Ấn Độ, một cường quốc xuất khẩu gạo, cũng nhập khẩu cám gạo từ các quốc gia khác trong khu vực khi nhu cầu trong nước không đủ đáp ứng.
Nằm trong nhóm quốc gia xuất khẩu cám gạo lớn, Việt Nam những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ chế biến và nhu cầu từ thị trường quốc tế, đã định vị lại mặt hàng này. Mục tiêu xuất khẩu không chỉ còn gói gọn trong khu vực mà đã vươn ra thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Sự chuyển biến này không chỉ đến từ yếu tố chất lượng mà còn từ những nỗ lực cải tiến quy trình chế biến và gia tăng giá trị sản phẩm. Trong đó, cám gạo chiết ly đang trở thành một sản phẩm chủ lực và được Trung Quốc quy định là 1 trong 2 nhóm mặt hàng được nhắc trong Nghị định thư vừa ký.
Cám gạo chiết ly là sản phẩm thu được từ quá trình tách chiết các thành phần có giá trị từ cám gạo nguyên chất (lớp vỏ lụa và lớp aleurone ngoài cùng của hạt gạo). Đây là sản phẩm đã được xử lý bằng công nghệ (thường là enzym, dung môi sinh học hoặc cơ học) để loại bỏ dầu, hoặc để thu các thành phần như: Dầu cám gạo giàu gamma-oryzanol, phytosterol, tocopherol; Chất xơ hòa tan và không hòa tan; Protein thực vật; Các chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B, vitamin E, khoáng chất...

Ngoài gạo, Trung Quốc cũng có nhu cầu lớn về nhập khẩu cám gạo. Ảnh: Xinhua.
Đặc biệt chú ý an toàn thực phẩm và kiểm dịch
Cám gạo, cám gạo chiết ly xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đều được sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cơ hội đã mở ra, nhưng rõ ràng doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến các yêu cầu từ phía bạn, như không chứa sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm, các thành phần biến đổi gen chưa được Trung Quốc chính thức phê duyệt, cũng như đáp ứng các yêu cầu mới nhất của Tiêu chuẩn quốc gia Trung Quốc (GB 13078).
Theo nghị định thư, việc kiểm tra và đảm bảo chất lượng sản phẩm là bắt buộc, đặc biệt là việc ngăn ngừa sự hiện diện của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn Salmonella hoặc nấm mốc. Doanh nghiệp phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường giới thiệu với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và sẽ được đăng ký sau khi được kiểm tra và phê duyệt bởi GACC. Danh sách các doanh nghiệp đã đăng ký có thể tìm trên website của GACC.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải thiết lập hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc Nguyên liệu thô, các công đoạn sản xuất và chế biến, bảo quản, vận chuyển phải được kiểm soát vệ sinh, tránh ô nhiễm đất, xác động vật, phân động vật và lông vũ... Bất kỳ nguyên liệu nào có nguồn gốc động vật cần phải tránh lây nhiễm, dây chuyền sản xuất không được phép sử dụng cho nguyên liệu có nguồn gốc động vật.
Cám gạo và cám gạo chiết ly thành phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc của mỗi doanh nghiệp phải được kiểm tra sự phù hợp chính thức ít nhất 3 tháng 1 lần để đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn liên quan đến thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, tự kiểm soát các chỉ tiêu vệ sinh an toàn của sản phẩm với khu vực bảo quản, đảm bảo cám gạo được bảo quản tách biệt, áp dụng các biện pháp hiệu quả chống chuột, côn trùng và chim để ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp hoặc lây nhiễm chéo.
Ngoài yêu cầu về chất lượng, bao bì sản phẩm cũng cần phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của Trung Quốc. Cụ thể, bao bì phải được thiết kế sao cho bảo vệ tốt sản phẩm, đồng thời đảm bảo các thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng và đầy đủ, đặc biệt là bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Việc ghi nhãn đúng quy định không chỉ giúp sản phẩm dễ dàng được kiểm tra mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cám gạo có thể được chế biến thành viên thức ăn chăn nuôi phối trộn với các nguyên liệu khác như bột ngô, khô dầu đậu tương, premix vitamin, khoáng... Ảnh: Bigg Bunny.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo yêu cầu tại "Hướng dẫn về Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật" ISPM số 12, trong đó phải chỉ rõ tên và số đăng ký tại Trung Quốc của doanh nghiệp chế biến, số container (với hàng đóng bao) hoặc tên tàu (với hàng rời) và các thông tin khác.
Nếu có bất kỳ biện pháp kiểm dịch nào đã được thực hiện trước khi xuất khẩu hoặc trong quá trình vận chuyển, giấy chứng nhận cần ghi rõ các thông tin như phương pháp xử lý, chỉ số xử lý, đồng thời thêm cột khai báo bằng tiếng Anh: “Lô hàng hóa này đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư về yêu cầu Vệ sinh An toàn thực phẩm để xuất khẩu cám gạo và cám gạo chiết ly từ Việt Nam sang Trung Quốc, và không mang bất kỳ loại dịch hại hay độc tố và chất gây hại nào mà Trung Quốc quan ngại”. Mỗi lô cám gạo xuất khẩu phải kèm bản Công bố vệ sinh an toàn ban hành bởi Cục Chăn nuôi và Thú y.
Dù không phải là thực phẩm trực tiếp cho người, cám gạo là nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi và nằm trong chuỗi sản xuất thực phẩm, có tác động gián tiếp đến sức khỏe con người. Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đặt ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch và vệ sinh an toàn. Việc tuân thủ các quy định này không những giúp doanh nghiệp xuất khẩu mở ra cơ hội phát triển mới, mà còn là minh chứng cho việc nông nghiệp Việt Nam đã từng bước vươn ra thế giới.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam sản xuất khoảng 5 triệu tấn cám gạo mỗi năm, trong đó xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, trước khi ký nghị định thư, phần lớn cám gạo được tiêu thụ nội địa hoặc xuất tiểu ngạch, chất lượng không được kiểm định chặt chẽ và giá trị gia tăng thấp.
Ngày 15/4, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký 4 nghị định thư liên quan đến xuất khẩu nông sản, trong đó có cám gạo.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cam-gao-tu-phu-pham-thanh-mat-hang-xuat-khau-gia-tri-d748490.html