| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 16/05/2025 - 16:38

Phóng sự

Cách dùng, công dụng của sản phẩm từ rắn

Thứ Tư 17/12/2008 - 07:45

Xin cho biết về các loại rắn độc, rắn không độc, các cách sử dụng sản phẩm của rắn và công dụng của chúng?

* Xin cho biết về các loại rắn độc, rắn không độc, các cách sử dụng sản phẩm của rắn và công dụng của chúng?

Nguyễn Đức Hương (huongbtn@gmail.com)

Theo BS. Nguyễn Văn Thông thì rắn có ba nhóm: 

1. Nhóm rắn không độc

- Rắn vòng cổ (Diadophis punctatus): dài khoảng 30-75cm, cổ có vòng khoang màu vàng, bụng khoang màu cam, sống trong các vùng bụi rậm.

- Rắn đuôi nhọn (Conia tenuis): dài khoảng 20-40cm, thân màu nâu, rất nhát, thường hoạt động khi trời mưa.

- Rắn nước (Coluber constrictor), dài khoảng 50cm đến 2m. Chạy rất nhanh, đầu không ngóc cao khỏi đất.

- Ô sao xà (Zaocys Dhumnades).

2. Nhóm rắn độc

- Rắn lục (Bothrops Jararaca); rắn chuông (Rattle snake); rắn hổ mang (Coral snake); bạch hoa xà (Bungarus multicinctus).

3. Rắn biển

Rắn biển (còn gọi là đẻn) thường sinh sống ở vùng biển nhiệt đới như Ấn Độ dương, Thái Bình dương.

Thân rắn biển có nhiều vẩy, mắt không có mi, bất động. Nanh theo kiểu nanh rắn hổ. Rắn biển dài trung bình 1-1,2m, nhưng có loài dài đến 3m. Đa số rắn biển tương đối hiền, chỉ vài loài hung dữ, nhưng đặc biệt nọc rắn biển rất độc (độc gấp 50 lần nọc rắn hổ)!

Vài loài tiêu biểu như Laticauda Semifasciata, Laticauda laticau-data, Enhydrina schistosa, Hydrophis nigrocinctus.

Như mọi động vật khác, rắn là nguồn cung cấp chất đạm rất tốt, thịt rắn tương đối nạc, ít mỡ do vận động nhiều.

Tây y không chú trọng đến thịt rắn mà chỉ nghiên cứu về nọc rắn. Theo các chuyên gia về rắn, có khoảng 250 loài rắn độc chia thành 4 nhóm: Crotalidae, Viperadae, Elapidae và Hydrophiidae (nhóm rắn biển).

Đông y dùng rắn dưới nhiều dạng, từ ngâm rượu, nấu cháo đến uống rượu pha máu rắn, ăn mật rắn.

Y thư cổ truyền Trung Quốc có kê những toa thuốc lấy từ 2 loại rắn: Một từ rắn độc gọi là Bạch hoa xà và một từ rắn nước gọi là Ô sao xà.

Bạch hoa xà: Để chỉ chung 2 loài rắn độc là rắn hổ mang và rắn cạp nong. Người Nhật gọi Bạch hoa xà là Hakkada. Ô sao xà: Để chỉ rắn nước Zaocys dhumnades, người Nhật gọi là Ushoda.

Theo Đông y, rắn (không kể phủ tạng), có tính ấm, vị ngọt, tác động vào Can kinh và Tỳ kinh. Cả hai loại trên có tác dụng như nhau, nhưng rắn nước thì yếu hơn.

Thịt rắn có thể làm thông kinh mạch bị bế tắc, đồng thời trừ được phong hàn, nên được dùng để trị các chứng phong thấp. Trong trường hợp này, Bạch hoa xà được dùng chung với phòng phong, xuyên khung, khương hoạt, giúp trị sưng khớp cùng tê bại chân.

Thịt rắn có tác dụng với phong ngoài da, do đó chữa trị được chứng tê ngoài da, ngứa, nhất là ngứa kinh niên do chàm (eczema). Trong trường hợp này, Bạch hoa xà được dùng chung với đương quy, hà thủ ô, bạch thược; còn Ô sao xà được dùng chung với vỏ ve sầu và xích thược.

Trong y thư cổ, da rắn sau khi lột gọi là Xà thuế, tính bình, vị ngọt mặn, tác dụng chính vào kinh mạch thuộc Can. Da rắn lột có tác dụng khu phong, chống co giật nên được dùng trị bệnh phong ngứa ngoài da, chứng kinh phong ở trẻ em. Da rắn được dùng chung với vỏ ve sầu, địa hoàng và đương quy.

Các bộ phận của rắn còn được sử dụng theo nhiều phương thức khác nhau:

- Huyết rắn: Có tác dụng làm tăng sinh lực, bổ thận. Máu rắn còn được dùng chung với mật rắn để tạo thành “Huyết xà đởm”.

- Rắn nấu thuốc Bắc: Rắn còn được nấu chung với những vị thuốc như thục địa, đương quy, nhãn nhục, đại táo để tăng thêm tính bổ dưỡng.

- Mật rắn: Vị đắng, tính hàn, có thể làm hạ hỏa và tiêu đờm do nhiệt gây ra. Mật rắn cũng giúp tan máu bầm nên được ngâm rượu để chữa chứng nhức xương, phong thấp.

- Rượu rắn: Rượu rắn được xem là một loại thuốc bổ dưỡng. Rượu ngâm với rắn khô hoặc tươi đều được nhưng phải bỏ đầu, đuôi và tạng phủ (chỉ giữ lại mật). Nếu ngâm tươi phải đủ 100 ngày, nhưng nếu rắn đã sấy hoặc phơi khô thì chỉ cần 30 ngày.

Các loại rượu rắn:

- Tam xà tinh: Ngâm 3 loại rắn hổ mang, cạp nong và hổ lửa.

- Ngũ xà tinh: Thêm hổ trâu và hổ hành.

- Lục vị xà tửu: Rắn ngâm với 6 vị thuốc.

- Bát vị xà tửu: Ngâm với 8 vị thuốc.

Những vị thuốc được ngâm chung với rắn thường là những vị thuốc bổ như sinh địa, thục địa, nhân sâm, hà thủ ô, đỗ trọng hoặc thêm xuyên khung, bạch chỉ, hoàng kỳ để trị phong thấp; thêm câu kỷ tử, ngũ vị tử, phúc bồn tử để giúp tráng dương, bổ thận.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/cach-dung-cong-dung-cua-san-pham-tu-ran-d25762.html