| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 04/05/2025 - 15:00

Khuyến nông

Cá rô bị sưng, bơi chậm, nổi đốm trắng, vây trắng

Thứ Ba 01/11/2016 - 09:08

Cá rô phi mới thả bị đốm trắng vì nấm bám vào. Nguyên nhân do cá bị xây xát khi đánh bắt và vận chuyển, thả gặp nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C) cá sẽ bị nấm và tróc vảy.

Hỏi: Ao rộng 5 sào nuôi 500 cá mè, mới thả 7.000 cá rô giống 5 ngày. 3 ngày qua cá rô có biểu hiện bị sưng, bơi chậm, nổi đốm trắng, vây trắng. Xin hỏi nguyên nhân và cách điều trị?

Trả lời: Cá rô phi mới thả bị đốm trắng vì nấm bám vào. Nguyên nhân do cá bị xây xát khi đánh bắt và vận chuyển, thả gặp nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C) cá sẽ bị nấm và tróc vảy. Trước khi thả không tắm phòng bệnh cho cá. Cách khắc phục: Té thuốc tím (KMn04) để diệt nấm, liều lượng 3 - 5gr/m3 nước, sau đó dâng nước cao trên 2m để giữ ấm cho cá, khi trời ấm cho cá ăn theo 4 đúng, bổ sung vtamin C. Chú ý không dùng lưới kéo cá khi trời rét, vì cá xát vào lưới sẽ bị nấm nhiều hơn.


Hỏi: Ao rộng 5 sào, sâu 1,5m. Muốn thả 500 con trắm, nặng 1kg/con, có được không? Nếu không được thì thả với mật độ bao nhiêu là phù hợp? Đào ao xong, để tầm 15 - 20 ngày liệu có thả cá được không?

Trả lời: Ao rộng như của bạn thả cá rất nhanh lớn, mật độ thế là thưa, có thể thả từ 1 - 2 con/m2 cỡ cá như vậy. Đào ao xong nên gây màu nước bằng phân chuồng hoai mục trước khi thả cá để tạo thức ăn tự nhiên, cá sẽ nhanh lớn hơn. Đào ao xong, đắp bờ, cống ra vào chắc chắn, nếu ao không có bùn lầy là gây màu thả được ngay, không cần phải phơi lâu.


Hỏi: Xin được hướng dẫn cách tự trồng cúc vạn thọ trên đất Nam bộ và điều khiển cho chúng nở hoa đúng Tết Nguyên đán?

Trả lời: Nên chọn giống Sa Đéc, vì dáng cây thấp, dễ trồng, hoa khá đẹp, lại không kén đất. Chọn cây khỏe, không bị sâu bệnh, chọn hoa lớn nhất. Khi hạt chín chọn những hạt nằm ở xung quanh rìa ngoài của hoa, phơi trong nắng nhẹ cho khô, bỏ vào chai lọ bảo quản nơi thoáng mát.

Rằm tháng 10 âm lịch, tiến hành gieo hạt vào bầu đất nhỏ (cỡ 6 x 8cm) có chứa đất mùn, cám xơ dừa hoặc tro trấu... trộn phân mục, mỗi tuần tưới một lần bằng nước phân NPK có tỷ lệ đạm cao pha loãng đảm bảo bầu vừa đủ ẩm.

Sau gieo 20 - 25 ngày, trồng bầu giống vào giỏ tre, vào chậu (có chứa đất mùn, tro trấu… trộn phân mục) hoặc xuống đất vườn (tùy ý). Khoảng 5 - 7 ngày một lần hòa loãng 2 muỗng phân NPK (loại 20-20-15) cho một thùng 10 lít nước tưới cho cây. Sau khi trồng 10 - 15 ngày thì tiến hành bấm đọt để cây ra thêm nhánh mới tạo cho cây có tán đẹp và nhiều hoa. Khi bắt đầu có nụ thì tưới thêm phân kali để hoa lâu tàn, mầu sắc tươi sáng, rực rỡ. Thường xuyên tưới nước đảm bảo đủ ẩm cho cây. Kiểm tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời một số sâu bệnh thường gặp như sâu ăn tạp, rệp muội… khi cây còn nhỏ, bệnh thối hoa, đốm lá…khi cây giao tán trở đi.

Khoảng 23 tháng Chạp cây cúc bắt đầu nở hoa lai rai cho đến Tết thì nở vừa hết.


Hỏi: Tôi trồng dưa chuột, bí xanh vụ thu đông khi gặp mưa lớn hoặc sương dày thì lá thường bị đốm và thối hỏng. Xin cho biết là bệnh gì và cách khắc phục?

Trả lời: Hiện tượng đốm lá dưa, bí khi gặp mưa hoặc sương ban đêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số vi sinh vật gây ra hiện tượng này là các loài nấm (nấm sương mai và nấm thán thư) hoặc vi khuẩn Xanthomonas gây đốm lá, thối đốt. Các bệnh này thường phát sinh trong mùa có mưa, sương nhiều (ẩm độ cao), gây hại đầu tiên trên lá, nhất là khi cây thừa đạm.

Bệnh do nấm gây ra phải thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp:

- Ngâm nước 10 - 15 ngày để diệt hạch nấm có sẵn trong ruộng.

- Luân canh với các cây trồng khác họ, tốt nhất luân canh với lúa nước.

- Trồng với mật độ vừa phải, không bón nhiều phân đạm hoặc bón đạm riêng lẻ.

- Ngắt bỏ bớt các lá già, lá bị bệnh, dùng màng phủ để lá không tiếp xúc với đất...

- Khi gặp mưa hoặc sương ban đêm kéo dài cần phun thuốc gốc đồng để phòng bệnh định kỳ 5 ngày/lần cho cây như Booc do 1%, Ricide, Coc 85, Copper B...

- Khi cây chớm bị bệnh ngừng bón đạm, dùng thuốc kháng sinh đặc trị sương mai như: Phytocide, Insuran, Topan, Aliette, Ridomil- gold... Thuốc trị bệnh thán thư dùng một trong các loại: Saprol, Monney, Isacop, Amistar, Score, Sumi- eght...

Bệnh đốm lá do vi khuẩn thì ngoài các biện pháp canh tác như trên cần xử lý hạt giống bằng dung dịch thuốc gốc đồng từ 5 - 10 phút.

Khi cây chớm bị bệnh dùng các loại thuốc có hoạt chất Bronopon, Steptomycin, Ningnamycin, Polyoxin B hoặc Kasugamycin... để khống chế sự lây lan.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ca-ro-bi-sung-boi-cham-noi-dom-trang-vay-trang-d179094.html