| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 20/01/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 20/01/2016

Bút sa...

Dân gian có câu “Bút sa gà chết”, có nghĩa là trước khi đồng ý một việc gì đó, ta phải suy nghĩ thật kỹ rồi mới gật đầu, nếu không sẽ mang lại hậu quả xấu cho chính bản thân ta. 

Với việc viết lách, ký kết, câu này có nghĩa là trước khi viết về một vấn đề nào đó hay đặt bút ký vào một văn bản, đơn từ nào đó, ta phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ càng, nếu không sẽ có thể hối hận không kịp.

Nhưng trong làng báo những năm gần đây, liên quan đến các vấn đề kinh tế, lại có không ít những vụ “bút sa” mà người viết không chết hoặc cùng lắm chỉ bị thương, còn người khác thì chết.

Chẳng nói đâu xa, mới đây, trên Báo NNVN, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đã phải lên tiếng về việc nhiều bài báo đưa tin không đúng rằng “80% doanh nghiệp TĂCN sử dụng chất cấm” hoặc “80% TĂCN có chất cấm”.

Trong khi thực chất của vấn đề này là trong 20 doanh nghiệp TĂCN mà các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, có 80% trong số đó bị phát hiện sử dụng chất cấm. Chỉ là 80% trong số 20 doanh nghiệp bị kiểm tra phát hiện có sử dụng chất cấm mà nhiều báo đưa tin thành 80% doanh nghiệp TĂCN sử dụng chất cấm hoặc 80% TĂCN có chất cấm, thì rõ ràng đã làm sai lệch bản chất của vấn đề, gây ảnh hưởng xấu tới cả ngành chăn nuôi nói chung.

“Bút sa” kiểu này hoặc là do người viết, người biên tập còn non, không biết dùng câu chữ sao cho phản ánh đúng mức độ, bản chất của sự việc, hoặc do cố tình viết như vậy để tạo sự giật gân, thu hút độc giả.

Đến giờ, tác giả những bài viết ấy chẳng hề hấn gì, cùng lắm có lẽ chỉ bị chê trách bởi đồng nghiệp, bởi nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nhân… liên quan đến lĩnh vực TĂCN. Còn người chịu thiệt thòi thực sự không ai khác chính là các doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất TĂCN làm ăn đàng hoàng (chiếm phần lớn trong số 236 nhà máy và khoảng 30.000 cơ sở sản xuất TĂCN hiện nay), và hàng triệu hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Cách đây không lâu, Hiệp hội Doanh nghiệp Trang trại Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam đã phải phối hợp Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tổ chức một buổi hội thảo nhằm giải oan cho chất làm trái cây nhanh chín Ethephon.

Số là trong thời gian qua, nhiều phóng viên thấy nông dân nhúng sầu riêng và một số loại trái cây khác vào một thứ dung dịch để làm cho trái cây chín nhanh, chưa cần tìm hiểu xem dung dịch đó là gì, có độc hại hay không, những phóng viên ấy đã vội viết các bài báo khẳng định nông dân nhúng trái cây vào hóa chất độc hại. Những bài báo ấy không chỉ khiến cho nhiều người tiêu dùng trong nước e ngại, xa lánh trái cây nội, mà còn làm cho nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài nhân cớ đó gây khó dễ với trái cây Việt Nam.

Trong khi đó, qua tìm hiểu thực tế, nhiều nhà khoa học, doanh nhân ngành rau quả đã khẳng định dung dịch đó là chất điều hòa sinh trưởng Ethephon (đã được Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng từ 2010), có tác dụng phóng thích Ethylen giúp trái cây nhanh chín.

Các nghiên cứu quốc tế đều khẳng định Ethylen không độc hại với sức khỏe con người, vì thế rất nhiều nước đã cho sử dụng chất này nhằm giúp cho trái cây nhanh chín và chín đồng loạt, vừa giúp giảm mạnh chi phí thu hoạch và sau thu hoạch, vừa giúp có đủ lượng trái cây cần thiết phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu.

Nếu các bạn đồng nghiệp ấy chịu khó tìm hiểu kỹ thêm về dung dịch làm trái cây nhanh chín, và không vội vàng chạy tin bài dạng giật gân, câu khách, chắc chắn đã không có những bài báo gây khốn đốn cho nhiều nhà vườn và doanh nghiệp trái cây Việt Nam như trong thời gian qua.

Cách đây vài năm, tôi về Châu Thành (Tiền Giang) viết bài về một doanh nghiệp làm nước ép và nhiều sản phẩm khác từ bưởi. Khi cùng chủ doanh nghiệp đi thăm các nhà vườn trồng bưởi trong vùng, nghe giới thiệu tôi là nhà báo, không ít chủ vườn tỏ vẻ lạnh nhạt, nghi ngại.

Hỏi ra, tôi mới biết họ vẫn còn chưa quên nỗi đau của vụ bưởi 2006. Năm ấy, một số báo đưa tin ăn bưởi bị ung thư (dịch từ báo nước ngoài, không kiểm chứng, không liên quan gì tới những giống bưởi trồng ở Việt Nam). Những bài dịch đăng báo chỉ đưa tin chung chung là ăn bưởi bị ung thư, khiến cho nhiều người tiêu dùng ngay lập tức tẩy chay bưởi Việt Nam. Năm đó, ở các vườn bưởi thuộc huyện Châu Thành, bưởi rụng đầy gốc vì bán không ai mua, người trồng bưởi khóc ròng.

Sau đó, những tờ báo, nhà báo đưa tin bưởi bị ung thư đã bị xử phạt hành chính. Nhưng những mức phạt ấy, chẳng thấm gì so với nỗi đau của người trồng bưởi bị dính họa “từ trên trời rơi xuống” bởi những bài báo, tờ báo ấy gây ra.

Bình luận mới nhất