| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 05/05/2025 - 14:49

Chính trị

Bước đi chiến lược cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Thứ Hai 05/05/2025 - 14:48

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là bước đi cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, hướng tới sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tại phiên thảo luận tổ 5 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội Yên Bái, Bình Dương, Quảng Nam) của Quốc hội, các đại biểu đã bày tỏ sự đồng thuận cao đối với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, một bước đi được đánh giá là cần thiết, đúng thời điểm và mang tính chiến lược trong tiến trình cải cách, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên họp tổ sáng 5/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự phiên họp tổ sáng 5/5. Ảnh: Tùng Đinh.

Cần làm rõ tên gọi nghị quyết để tránh hiểu nhầm

Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy bày tỏ sự ủng hộ với hai Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét sửa đổi Hiến pháp và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị cần điều chỉnh tên gọi của nghị quyết thứ nhất, hiện đang là “Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013”, vì cách ghi như vậy dễ gây hiểu lầm đây là nghị quyết về nội dung sửa đổi, thay vì nghị quyết về chủ trương sửa đổi.

Bộ trưởng đề xuất tên gọi phù hợp hơn là: “Nghị quyết về việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013”, nhằm phản ánh đúng nội dung đã nêu tại Điều 1 của dự thảo: “Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp... để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài ra, tại Điều 2, nội dung thành lập Ủy ban dự thảo, Bộ trưởng cho rằng có thể được rút gọn thành: “Thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013”, vì đã nằm trong nghị quyết của Quốc hội thì mặc nhiên hiểu rằng Quốc hội là chủ thể thực hiện. Việc rút gọn sẽ giúp văn bản rõ ràng, súc tích và dễ tiếp cận hơn.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý câu chữ để bảo đảm tính chính xác và mạch lạc trong hành văn nghị quyết.

Hiến pháp cần đi trước một bước, mở đường cho mô hình mới

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cần thiết và kịp thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức bộ máy hành chính, đặc biệt là mô hình chính quyền địa phương hai cấp, một trong những nội dung trọng tâm mang tính chiến lược.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cần thiết và kịp thời. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cần thiết và kịp thời. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo đại biểu, hai nhóm nội dung chính được đề xuất sửa đổi bao gồm: các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên, cùng với chương về tổ chức chính quyền địa phương.

Đây là những điều chỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc sáp nhập, tinh giản bộ máy và xây dựng nền hành chính linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, ông Hạ đề xuất cần tiếp tục rà soát kỹ các quy định về phân cấp, phân quyền, chủ trương lớn xuyên suốt của Đảng và Chính phủ, vì điều này liên quan trực tiếp đến hiệu quả điều hành và phát triển ở từng địa phương, đặc biệt tại các khu vực kinh tế trọng điểm.

Đại biểu cũng nhấn mạnh rằng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các mô hình mới như đặc khu hành chính – kinh tế hay đơn vị hành chính – kinh tế đặc thù, giúp địa phương phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong điều hành, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bước đi chiến lược, linh hoạt, hiệu quả

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, nhận định việc sửa đổi lần này là bước đi cần thiết, hợp lý, góp phần cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết, kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu tại tổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân phát biểu tại tổ. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại biểu Xuân đánh giá cao việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, cho rằng đây là biểu hiện rõ nét của quyết tâm chính trị trong việc cải tổ bộ máy nhà nước, đặc biệt là chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo bà Xuân, việc sửa đổi không chỉ nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) khẳng định đây là bước đi chiến lược, kịp thời và cần thiết trong nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn. Việc sửa đổi sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị trong bối cảnh phát triển nhanh và bền vững.

Hai nhóm nội dung trọng tâm được bà nhấn mạnh gồm: các quy định về vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, và các điều chỉnh tại Chương IX về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, kèm điều khoản chuyển tiếp bảo đảm triển khai thuận lợi, không gián đoạn.

Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) khẳng định đây là bước đi chiến lược, kịp thời và cần thiết trong nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại biểu Khang Thị Mào (Yên Bái) khẳng định đây là bước đi chiến lược, kịp thời và cần thiết trong nỗ lực xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo bà Mào, việc giới hạn sửa đổi ở khoảng 8/120 điều là hợp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Hình thức văn bản nghị quyết của Quốc hội cũng được đánh giá là phù hợp, bảo đảm tính linh hoạt và hiệu quả trong thực hiện.

Các vị đại biểu Quốc hội của tổ 5 cho rằng, sự đồng thuận cao trong Quốc hội cùng với sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri trên cả nước là nguồn động lực to lớn để Quốc hội khóa XV hoàn thành trọng trách sửa đổi Hiến pháp. Đây không chỉ là một yêu cầu khách quan của thực tiễn, mà còn là sự kỳ vọng lớn lao về một nền hành chính hiện đại, hiệu quả, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/buoc-di-chien-luoc-cho-bo-may-nha-nuoc-tinh-gon-hieu-luc-hieu-qua-d751456.html