| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 15/04/2025 - 23:16

Chính trị

Bộ Chính trị hướng dẫn phương án nhân sự địa phương sau sắp xếp

Thứ Ba 15/04/2025 - 06:50

Phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh sau sáp nhập phải xin ý kiến Tổng Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. Ảnh: TTXVN.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú. Ảnh: TTXVN.

Ngày 14/4, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận 150 (Kết luận 150) hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Tuyệt đối tránh tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm

Kết luận nêu rõ, việc xây dựng phương án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy; phân công cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc sau hợp nhất, sáp nhập là công việc quan trọng, cần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập bao gồm các đồng chí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh đương nhiệm.

Kết luận cũng yêu cầu giữ vững nguyên tắc trong công tác nhân sự, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

Tuyệt đối tránh khuynh hướng, tư tưởng cục bộ địa phương, "lợi ích nhóm", tiêu cực trong phân công, bố trí, giới thiệu cán bộ.

Tại thời điểm hợp nhất, sáp nhập, số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân và cấp phó của các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thể nhiều hơn so với quy định.

Đồng thời, việc phân công, bố trí số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp ủy có thể nhiều hơn ở một số cơ quan, đơn vị trực thuộc; tuy nhiên, sau 5 năm, số lượng và việc bố trí nhân sự sẽ thực hiện theo quy định.

Các bước xây dựng phương án nhân sự

Về xây dựng phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của các địa phương sau khi hợp nhất, sáp nhập (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và các Ủy viên Trung ương dự khuyết là Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy), kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu phương án nhân sự là lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh sau sáp nhập phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt và Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến.

Sau đó, phương án này được hoàn thiện để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

Với nhân sự cấp ủy, Ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp tỉnh thì lãnh đạo tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được Bộ Chính trị phân công sẽ triệu tập, sau đó đồng chủ trì cùng các bí thư tỉnh ủy, thành ủy của các địa phương trong diện hợp nhất, sáp nhập để họp với các thường trực tỉnh ủy, thành ủy, trưởng ban tổ chức các địa phương chuẩn bị nội dung xây dựng phương án nhân sự.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, phương án chuẩn bị nhân sự gồm: Báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương thuộc diện hợp nhất, sáp nhập; đánh giá sơ bộ về thuận lợi, khó khăn; xây dựng phương án nhân sự và định hướng phân công nhân sự đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của cơ quan, đơn vị trực thuộc nhiệm kỳ hiện tại và cho nhiệm kỳ kế tiếp.

Sau bước này, người được Bộ Chính trị phân công cùng với bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong diện hợp nhất, sáp nhập tổ chức hội nghị ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy của các địa phương hợp nhất, sáp nhập thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện và thông qua phương án nhân sự.

Quá trình thảo luận, nếu còn có ý kiến khác nhau hoặc chưa thống nhất, thì tổng hợp đầy đủ ý kiến, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.

Phương án nhân sự đã xây dựng sẽ được Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy (của các địa phương hợp nhất, sáp nhập) báo cáo Ban Tổ chức Trung ương xem xét, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện phương án nhân sự trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ định đối với nhân sự theo quy định.

Trên cơ sở ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, người được Bộ Chính trị phân công sẽ đồng chủ trì cùng các bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong diện hợp nhất tổ chức cuộc họp với Ban Thường vụ các địa phương hợp nhất để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện phương án nhân sự.

Sau đó, phương án nhân sự này được báo cáo lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét chỉ định theo thẩm quyền.

Với nhân sự là cấp ủy, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra cấp xã và việc phân công đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo ở xã, phương án nhân sự hoàn toàn do Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng chỉ đạo việc xây dựng và thông qua.

Tuy nhiên Bộ Chính trị cũng lưu ý trước khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã, Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cần chủ động tổng rà soát nguồn cán bộ cấp huyện, cấp xã để có phương án xem xét, điều động, phân công, bố trí.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bo-chinh-tri-huong-dan-phuong-an-nhan-su-dia-phuong-sau-sap-xep-d748249.html