Thứ tư 14/05/2025 - 09:37
Nông thôn mới
Bình Định phấn đấu 100% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh
Thứ Tư 14/05/2025 - 09:35
Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó trên 80% được sử dụng nước sạch tập trung...
- Lào Cai tuyên truyền nước sạch và vệ sinh môi trường đến người dân
- Trà Vinh: Phấn đấu nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch lên 85,2%
- Khởi công nhà máy nước sạch có vốn đầu tư 180 tỷ đồng tại Yên Bái
- Xã hội hóa giúp cải thiện vấn đề nước sinh hoạt nông thôn
Khai thác 131 công trình cấp nước tập trung
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, trong bối cảnh nhu cầu nước sinh hoạt của người dân ngày càng tăng cao, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh Bình Định những năm gần đây đã tập trung mọi nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Nhà máy nước sạch Quy Nhơn nằm trên địa bàn huyện Tuy Phước được đầu tư gần 400 tỷ đồng. Ảnh: T.P.
Hiện, khu vực nông thôn Bình Định có 131 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế là 94.423/124.984 hộ, đạt 75,5%; trong đó có 25 công trình bơm dẫn, công suất thiết kế 38.040 m3/ngày đêm và 106 công trình tự chảy, công suất thiết kế 16.774 m3/ngày đêm. Tổng số hộ ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 270.501; trong đó 99.387 hộ sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung và 171.114 hộ sử dụng nước từ hệ thống cấp nước nhỏ lẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Bình Định, hiện Trung tâm được tỉnh giao quản lý vận hành 10 nhà máy nước sạch tập trung với tổng công suất gần 34.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho hơn 59.400 hộ dân; trong đó hơn 46.000 hộ ở vùng nông thôn.
Để đảm bảo nguồn nước ổn định, các nhà máy khai thác nước ngầm ở các địa phương được Trung tâm thường xuyên kiểm tra, thổi rửa và bảo dưỡng giếng định kỳ; đồng thời quan trắc mực nước tĩnh, mực nước động để đưa ra phương án điều tiết, luân phiên khai thác hiệu quả.
Các nhà máy có sử dụng nước mặt, công tác kiểm tra khu vực thu nước, bảo dưỡng đường ống, đập dâng, làm thông dòng chảy, vệ sinh khu xử lý… được thực hiện thường xuyên, nhằm khai thác tối đa nguồn nước hiện có và bảo đảm chất lượng đầu vào.
Không ngừng mở rộng vùng phục vụ
Theo ông Nguyễn Tấn An, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Bình Định, ngành chức năng tỉnh này đang tích cực triển khai nhiều dự án đầu tư mới có quy mô lớn để mở rộng vùng phục vụ, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước đạt chuẩn.

Nhà máy nước Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ ổn định cho khoảng 8.500 hộ dân. Ảnh: A.N.
Một trong những dự án trọng điểm mở rộng vùng phục vụ là nâng cấp Nhà máy nước Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) với công suất 7.000 m3/ngày đêm. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ phục vụ ổn định cho khoảng 8.500 hộ dân tại các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) và hỗ trợ cấp nước cho các xã phía Bắc huyện Tây Sơn. “Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn tất, chúng tôi đang chỉ đạo đơn vị thi công mạng lưới phân phối, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng ngay trong quý II/2025”, ông An cho hay.
Hoặc như dự án cấp nước ven biển với công suất 7.000 m3/ngày ở huyện Phù Mỹ cũng đang được triển khai, dự án này phục vụ cho gần 12.000 hộ dân thuộc các xã Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Thọ và Mỹ Thành. Các xã miền núi của huyện Tây Sơn cũng sắp được tiếp cận nước máy nhờ dự án cấp nước phía Bắc huyện Tây Sơn phục vụ hơn 11.500 hộ dân. Công trình này được khởi công trong tháng 12/2024, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 10 năm nay.
“Dự án lớn nhất Bình Định hiện nay là hệ thống cấp nước liên huyện Phù Cát và Phù Mỹ, dự kiến phục vụ trên 14.500 hộ dân. Dự án sẽ được khởi công trong quý III/2025, hứa hẹn sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng sống ở nông thôn”, ông Nguyễn Tấn An, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Bình Định chia sẻ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/binh-dinh-phan-dau-100-dan-so-nong-thon-duoc-dung-nuoc-hop-ve-sinh-d752747.html