Thứ hai 12/05/2025 - 23:44
Lâm nghiệp
Bình Định 'canh phòng' gần 170.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao
Thứ Hai 12/05/2025 - 05:44
Theo thống kê của ngành chức năng, trong năm 2025, Bình Định có 169.501 ha rừng có nguy cơ cháy cao; chủ yếu là rừng trồng keo, phi lao, lim xanh, sao đen…
- Sóc Trăng ứng phó bảo vệ 10.300ha rừng trong mùa khô
- Thời tiết nông vụ ngày 24/03/2025: Các địa phương cần đề phòng cháy rừng
- Đắk Nông yêu cầu không đốt thực bì đề phòng cháy rừng
Phòng cháy rừng từ sớm, từ xa
Trước nguy cơ cháy rừng cao, đầu mùa khô năm 2025, ngành kiểm lâm cấp huyện ở Bình Định đã tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn, đồng thời tổ chức kiểm tra công tác PCCCR tại các Ban chỉ huy bảo vệ rừng-PCCCR, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn cấp xã, đơn vị chủ rừng và các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (người đội mũ cối đứng giữa) kiểm tra công tác PCCCR tại huyện Tuy Phước. Ảnh: V.Đ.T.
“Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 6 vụ cháy rừng với diện tích 23,69 ha; trong đó, có 1 vụ cháy rừng tự nhiên tại huyện Vĩnh Thạnh và 4 vụ cháy rừng trồng tại các huyện Hoài Ân, Phù Cát, Tây Sơn và thành phố Quy Nhơn, 1 vụ cháy rừng mới trồng chưa thành rừng tại huyện Tuy Phước. Năm 2024 tiếp tục xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng với diện tích 10,45 ha tại các huyện Tuy Phước và Phù Cát. Còn từ đầu năm đến nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn”, ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho hay.
Có một thực tế là những vụ cháy rừng xảy ra trong những năm trước đây đều ở xa khu dân cư, rất khó cứu chữa. Để ứng phó với tình trạng này, năm nay Chi cục Kiểm lâm Bình Định tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, ứng dụng công nghệ trong giám sát, nâng cao năng lực PCCCR tại chỗ; tu sửa và xây dựng đường băng cản lửa, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng địa phương và tăng cường công tác tuyên truyền về PCCCR.
Ngay từ đầu mùa khô, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp PCCCR như tuyên truyền, giáo dục pháp luật; chỉ đạo các chủ rừng rà soát, xây dựng phương án PCCCR; kiểm tra công tác PCCCR theo phương châm "4 tại chỗ"; xác định vùng trọng điểm nguy cơ cháy cao; bố trí lực lượng tuần tra, canh gác…

Lực lượng kiểm lâm Bình Định sử dụng ảnh vệ tinh để quan sát, theo dõi rừng từ xa, giúp tăng khả năng phát hiện sớm các điểm cháy. Ảnh: V.Đ.T.
Chi cục Kiểm lâm Bình Định cũng đã thành lập, kiện toàn các tổ, đội chữa cháy ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao; yêu cầu các tổ, đội chủ động phát dọn thực bì, tu sửa các đường băng cản lửa tại khu vực rừng tập trung. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư xây dựng thêm các tuyến đường băng cản lửa cũng như trang bị thêm phương tiện, thiết bị chữa cháy cơ động như máy thổi gió, máy bơm nước...
“Để chủ động trong công tác quản lý, chỉ đạo PCCCR trên địa bàn; kiểm soát và ngăn chặn kịp thời khi có cháy rừng xảy ra, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm cấp huyện rà soát, thống kê các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Kết quả, năm 2025 Bình Định có hơn 169.500 ha rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu là rừng trồng”, ông Sáu cho biết thêm.
Ứng dụng công nghệ đề phòng cháy rừng
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, ngay từ tháng 3/2025, đơn vị này đã rà soát, xác định một số vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao như: Tiểu khu 375A trên địa bàn xã Canh Thuận và 2 tiểu khu 349 và 355 trên địa bàn xã Canh Liên. Từ đó, đơn vị đã có biện pháp phòng cháy rừng từ sớm, từ xa.

Lực lượng kiểm lâm Bình Định tổ chức tuyên truyền công tác PCCCR cho người dân sống cạnh rừng. Ảnh: V.Đ.T.
“Chúng tôi thành lập tổ xung kích bảo vệ rừng, PCCCR tại các thôn, làng, khu phố; niêm yết công khai số điện thoại của cá nhân chịu trách nhiệm chính tại trụ sở thôn, làng và thiết lập một đường dây nóng tiếp nhận thông tin. Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh giao các lực lượng tham gia nhận khoán rừng lắp đặt thêm 10 bảng tuyên truyền và 40 biển báo cấm lửa trên các tuyến đường ra vào rừng và vùng dễ xảy ra cháy. Bố trí lực lượng chốt trực tại các điểm có nguy cơ cháy rừng cao; trang bị máy thổi gió, máy cưa, bình phun nước, can nhựa, cuốc, cào cỏ... cho các trạm, điểm chốt bảo vệ rừng”, ông Nguyễn Thanh Quang chia sẻ.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã đề xuất lắp đặt các trạm quan trắc khí tượng, cảm biến nhiệt; triển khai thiết bị bay không người lái, sử dụng ảnh vệ tinh để quan sát, theo dõi rừng từ xa, giúp tăng khả năng phát hiện sớm các điểm cháy, hỗ trợ điều phối và chỉ huy hiệu quả các lực lượng trong quá trình chữa cháy.
Chi cục Kiểm lâm Bình Định còn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cấp huyện thành lập, kiện toàn các tổ, đội chữa cháy ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; yêu cầu các tổ, đội chủ động phát dọn thực bì, tu sửa các đường băng trắng tại khu vực rừng tập trung.

Lực lượng kiểm lâm Bình Định sử dụng thiết bị bay giám sát rừng. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Phan Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trong thời gian qua, ngành chức năng chủ yếu sử dụng các phương tiện, dụng cụ được trang bị từ dự án Nâng cao năng lực PCCCR tỉnh Bình Định giai đoạn 2009-2010 và giai đoạn 2014-2016, như máy thổi gió, máy bơm nước đeo vai, máy cưa xăng, rựa, vỉ dập lửa, can đựng nước…
Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện nay các trang thiết bị trên còn lại rất ít và đã xuống cấp, hư hỏng, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng, nên lực lượng chức năng gặp khó trong việc khống chế đám cháy nếu cháy rừng xảy ra trên diện rộng và diễn biến phức tạp.
“Do đó, năm 2024, UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ cho ngành kiểm lâm mua sắm mới 1 xe ô tô bán tải chở lực lượng chữa cháy rừng và thiết bị chữa cháy, 2 bộ thiết bị bay không người lái phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Các thiết bị nói trên phục vụ rất hiệu quả trong giám sát rừng, phát hiện mất rừng, suy thoái rừng và đo đếm thiệt hại rừng. Tuy nhiên, số lượng thiết bị đã được trang bị chưa đủ để bảo vệ, giám sát hết diện tích rừng hiện có trên địa bàn”, ông Hải thông tin.

Ở những vùng rừng có nguy cơ cháy cao được các chủ rừng đóng biển cấm lửa đề phòng cháy rừng. Ảnh: V.Đ.T.
“Chi cục Kiểm lâm Bình Định chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các địa phương phải thường xuyên cập nhật diễn biến rừng trên địa bàn được phân công theo dõi. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác rừng, đốt rừng làm rẫy, xử lý nghiêm các hành vi gây cháy rừng. Đồng thời, tích cực ứng dụng hiệu quả hệ thống cảnh báo cháy sớm bằng vệ tinh, chủ động tiếp cận và sử dụng công nghệ camera giám sát, thiết bị bay không người lái được cấp”, ông Lê Đức Sáu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho hay.
Cũng theo ông Sáu, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan và người dân tăng cường tuần tra, kiểm soát những khu vực trọng điểm cháy rừng. Tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn cho người dân, doanh nghiệp về bảo vệ rừng, PCCCR. Khuyến khích cộng đồng tham gia mô hình “tổ, đội bảo vệ rừng” để kịp thời phát hiện các vụ cháy rừng.
“Ngày 26/4 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định đã ban hành thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng (0985945507) để tiếp nhận mọi thông tin, tin báo vi phạm về quản lý rừng, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản”, ông Bùi Tấn Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho biết.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/binh-dinh-canh-phong-gan-170000-ha-rung-co-nguy-co-chay-cao-d752323.html