Chủ nhật 18/05/2025 - 10:57
Thủy sản
Biển cả thu nhỏ trong bộ sưu tập vỏ ốc có một không hai
Chủ Nhật 18/05/2025 - 10:52
Từ những vỏ ốc được nhặt trên bãi biển quê hương, một sinh viên Đại học Cần Thơ dành gần 10 năm xây dựng bộ sưu tập hiếm có.
- Tiếng sóng trong vỏ ốc
- Ngư dân trúng đậm cá ngừ đầu năm
- Ra mắt khu bảo tồn biển Cà Mau
- Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 5] Người 'vẽ đường' cho tôm cá bơi
Trần Tiến Đạt, sinh viên năm 3, Trường Thủy sản (Đại học Cần Thơ) đã dành nhiều năm sưu tầm hơn 300 mẫu vỏ ốc, thuộc hơn 100 loài ốc biển. Niềm đam mê đặc biệt này không chỉ giúp chàng trai trẻ mở rộng kiến thức, mà còn mang đến nhiều trải nghiệm quý giá.
Sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển Trà Vinh, ngay từ nhỏ, Tiến Đạt đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của các loài sinh vật biển. Năm 2016, anh bắt đầu sưu tầm vỏ ốc - những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo của thiên nhiên.

Trần Tiến Đạt đã dành nhiều năm sưu tầm hơn 300 mẫu vỏ ốc, thuộc hơn 100 loài ốc biển. Ảnh: Kim Anh.
Tiến Đạt chia sẻ: “Mỗi vỏ ốc đều kể một câu chuyện về sự sống và hệ sinh thái biển. Việc sưu tầm giúp tôi hiểu sâu hơn về sự đa dạng sinh học và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường biển”.
Bộ sưu tập vỏ ốc của Tiến Đạt có đủ loại, từ những chiếc bé chỉ bằng ngón tay cho đến những mẫu có kích thước “khủng”. Hiện tại, Tiến Đạt đang sở hữu hơn 500 vỏ ốc biển, với hơn 100 loài. Trong đó, có nhiều loài quý hiếm như: ốc kim khôi đỏ, anh vũ, mặt trời, mỏ vịt, ốc giác, ốc giấy, ốc gai lược… Đặc biệt, có một số mẫu được thu thập từ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam, cũng như từ đảo Phú Quý.
Giá trị của những vỏ ốc này không hề nhỏ. Có những cái chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng cũng có mẫu được định giá hàng chục triệu đồng. Trong bộ sưu tập, đáng chú ý nhất là chiếc vỏ ốc khe (Entemnotrochus rumphii) đường kính lên đến 21cm, được nhiều người trả giá 2.500 USD, nhưng Đạt vẫn chưa có ý định bán.

Vỏ ốc khe quý hiếm, được nhiều người săn đón và sẵn sàng trả giá cao để có thể sở hữu. Ảnh: Kim Anh.
“Vỏ ốc khe này do ghe cào ở Trà Vinh vô tình kéo lên. Khi đó, con ốc đã chết, chỉ còn lại vỏ. Loài này vốn chỉ xuất hiện ở Philippines, Đài Loan hay Nhật Bản. Nhưng không rõ bằng cách nào nó trôi dạt đến vùng biển Việt Nam. Thật may mắn, khi tôi đã sở hữu được nó”, Tiến Đạt phấn khích chia sẻ.
Không chỉ sưu tầm, Tiến Đạt còn cẩn thận bảo quản từng mẫu vỏ ốc. Mỗi chiếc đều được ngâm trong dung dịch để loại bỏ rong rêu, sau đó sơn bóng để giữ màu sắc tự nhiên và độ bền theo thời gian.
Niềm đam mê này đã lan tỏa đến nhiều bạn trẻ yêu thích sinh vật biển ở TP Cần Thơ. Phan Hữu Kha, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trước đây chỉ được ngắm những vỏ ốc đẹp qua hình ảnh hoặc phóng sự tư liệu. Nhờ Đạt, mà anh mới được tận mắt chiêm ngưỡng một bộ sưu tập phong phú như vậy. Mỗi chiếc vỏ ốc đều có hình dáng, màu sắc đặc biệt, giúp Kha hiểu thêm về sự đa dạng sinh học dưới đại dương.

Với những mẫu vỏ ốc có giá trị cao, Trần Tiến Đạt phải dành dụm tiền hoặc bán bớt những chiếc vỏ trùng lặp để tiếp tục theo đuổi đam mê. Ảnh: Kim Anh.
Để mở rộng bộ sưu tập vỏ ốc này, Tiến Đạt không ngừng tìm kiếm những mẫu vỏ ốc mới từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài việc được bạn bè và các ngư dân ở Bình Thuận, đảo Phú Quý gửi tặng, anh còn tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội để trao đổi hoặc mua bán vỏ ốc.
Không chỉ gói gọn trong phạm vi Việt Nam, bộ sưu tập của Tiến Đạt còn có những mẫu vỏ ốc từ các vùng biển quốc tế. Nhờ kết nối với bạn bè trên mạng xã hội, anh đã sở hữu được nhiều mẫu độc đáo từ các vùng biển xa xôi.
Với Đạt, mỗi chiếc vỏ ốc không chỉ là một món đồ trang trí mà còn là một phần của câu chuyện về đại dương rộng lớn. Anh mong muốn trong tương lai có thể mang bộ sưu tập này đến với nhiều người hơn, đặc biệt là những bạn trẻ có chung niềm đam mê với biển cả.

Bộ sưu tập vỏ ốc nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Kim Anh.
“Tôi hy vọng có thể tổ chức một buổi trưng bày nhỏ để giới thiệu bộ sưu tập và giúp mọi người hiểu hơn về sự phong phú của sinh vật biển quê hương. Điều đó không chỉ thỏa mãn đam mê cá nhân, mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường biển”, Tiến Đạt bộc bạch.
Giá trị của những chiếc vỏ ốc giờ đây không chỉ nằm ở con số được định giá bằng tiền. Mà quan trọng hơn, đó là niềm đam mê của chàng sinh viên trẻ, biến sở thích cá nhân thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Từ những vỏ ốc nhỏ bé, Đạt không chỉ kể câu chuyện về đại dương bao la mà còn góp phần lan tỏa tình yêu với biển cả và nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bien-ca-thu-nho-trong-bo-suu-tap-vo-oc-co-mot-khong-hai-d745845.html