| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 14/05/2025 - 11:17

Tim mạch

Bệnh tim mạch không còn nguy hiểm với người hiểu biết

Thứ Tư 14/05/2025 - 11:13

Bệnh tim mạch từng được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, bây giờ, mọi thứ đang thay đổi.

Tiến sĩ Louis J. Ignarro.

Tiến sĩ Louis J. Ignarro.

Bệnh tim mạch có triệu chứng rất đa dạng và khó nắm bắt. Ước tính, có khoảng 640 triệu người trên thế giới đang sống chung với các bệnh tim mạch và tuần hoàn như cao huyết áp, đau thắt ngực, thậm chí là nhồi máu cơ tim hay đột quỵ… Thế nhưng, ít có biết rằng vấn đề sức khỏe đáng buồn ấy, có thể được kiểm soát nhờ vào một “phân tử kỳ diệu” mà cơ thể chúng ta sản sinh tự nhiên.

Ngày 12/10/1998, giải Nobel về Sinh lý học và Y học đã được trao cho ba nhà khoa học là Robert F. Furchgott, Louis J. Ignarro và Ferid Murad, để tôn vinh những khám phá của họ trong đề tài “oxit nitric (NO) với vai trò là một phân tử tín hiệu trong hệ tim mạch”. Chính phát hiện này đã mở ra một cuộc cách mạng làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của cộng đồng y khoa toàn cầu, đồng thời mở đường cho nhiều ứng dụng lâm sàng trong điều trị tim mạch, rối loạn cương dương, tổn thương mạch máu và nhiều bệnh lý mạn tính khác.

Trước đó, có lẽ ít ai ngờ rằng NO – một phân tử nhỏ bé từng được xem là chất độc trong công nghiệp, có thể trở thành “phân tử kỳ diệu” cứu sống hàng triệu người. Trong cuốn sách “Không còn bệnh tim” (No More Heart Disease) tiến sĩ Louis J. Ignarro – một trong ba nhà khoa học nhận giải Nobel năm 1998, đã trình bày toàn bộ quá trình nghiên cứu mang tính cách mạng về NO và cách thức để khai thác sức mạnh của phân tử NO trong việc khống chế bệnh tim mạch.

Tiến sĩ Louis J Ignarro cho biết, mỗi phần trong cơ thể chúng ta đều cần oxy và dưỡng chất để duy trì sự sống. Chính hệ tim mạch sẽ cung cấp oxy cũng như dưỡng chất đến từng phần trong cơ thể một cách trơn tru và hiệu quả suốt 24 giờ mỗi ngày. Trong đó, trái tim đóng vai trò như một chiếc bơm trung tâm, vận chuyển máu giàu oxy đi qua hệ thống mạch máu dài hơn 160.000 km (gấp hai lần chu vi Trái Đất).

Trong quá trình vận hành, NO giúp duy trì tính đàn hồi của tất cả các mạch máu, vì nó là một “phân tử tín hiệu” có chức năng báo cho các mạch máu biết khi nào cần giãn nở, giúp kiểm soát lượng máu lưu thông đến từng bộ phận trong cơ thể. NO cũng có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành của huyết khối (nguyên nhân gây đột quỵ cũng như nhồi máu cơ tim) và điều hòa huyết áp.

Một giá trị then chốt của NO là làm chậm quá trình tích tụ của các mảng xơ vữa trong mạch máu. Không dừng lại ở đó, NO còn có vai trò trong nhiều cơ quan và chức năng khác: tăng cường trí nhớ, hỗ trợ hô hấp, điều hòa miễn dịch, thậm chí có liên quan đến sinh lý nam giới và hoạt động của não bộ.

Với vai trò là một phân tử tín hiệu của hệ thần kinh và tuần hoàn, NO góp phần bảo vệ cơ thể khỏi nhiều loại bệnh lý mãn tính, từ tim mạch đến ung thư. Một lượng nhỏ oxit nitric cũng có thể phát huy chức năng điều trị mạnh mẽ. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều không có đủ lượng NO cần thiết để đảm bảo hệ tim mạch có thể hoạt động thuận lợi. Nếu tình trạng thiếu hụt NO kéo dài, sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao đối với hầu hết các chứng bệnh nghiêm trọng.

Trong cuốn sách “Không còn bệnh tim”, Tiến sĩ Louis J Ignarro đã mở ra một cánh cửa mới, nơi không ai còn bị động trước bệnh tim mạch, mà có thể chủ động hồi phục, phòng ngừa thông qua việc khai thác cơ chế tự nhiên sản sinh NO. Khi nói về huyết áp và sức cản trong mạch máu, ông so sánh hệ tuần hoàn với một hệ thống vòi nước: muốn tăng áp lực nước, ta có thể mở to vòi cấp hoặc thu hẹp đầu ra, cũng như trong cơ thể, huyết áp tăng khi tim bơm nhiều hơn hoặc khi mạch máu co lại.

Cuốn sách 'Không còn bệnh tim' vừa được phát hành tại Việt Nam.

Cuốn sách "Không còn bệnh tim" vừa được phát hành tại Việt Nam.

Có một kế hoạch gồm ba lưu ý đơn giản mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện để thúc đẩy quá trình sản sinh NO tự nhiên trong cơ thể, và dễ dàng ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Thứ nhất là bổ sung dinh dưỡng. Các chất bổ sung cần thiết như L-arginine, L-citrulline, vitamin C và E, axit folic và axit alpha lipoic đều giúp cơ thể sản sinh NO một cách tối ưu.

Thứ hai là chế độ dinh dưỡng. Các thực phẩm như hải sản, quả việt quất, thực phẩm giàu omega-3 và chất béo tốt (trừ chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa) đều tăng cường khả năng sản sinh NO của cơ thể.

Thứ ba là chế độ vận động: Việc đi bộ, chạy, bơi lội và khiêu vũ… với thời gian thực hiện ít nhất 20 phút mỗi ngày, 3 lần mỗi tuần đều kích thích cơ thể sản sinh NO một cách tự nhiên và bền vững.

Có thể thấy, việc thay đổi chế độ ăn, bổ sung chất hay tăng cường vận động không hề phức tạp nhưng lại là những cách tuyệt đối an toàn để gia tăng đáng kể lượng NO tự nhiên của cơ thể. Khi được thực hiện đều đặn và đúng cách, sẽ giúp phục hồi và nuôi dưỡng khả năng tự chữa lành bệnh tim mạch mà không phụ thuộc vào thuốc men.

Tiến sĩ Louis J. Ignarro bằng những luận giải khoa học của mình đã khẳng định, bệnh tim mạch không còn là nỗi ám ảnh của nhân loại. Chỉ cần trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết, thì bất cứ cá nhân nào cũng có quyền tuyên bố “không còn bệnh tim”.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/benh-tim-mach-khong-con-nguy-hiem-voi-nguoi-hieu-biet-d753109.html