| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 23/05/2025 - 15:57

Chính trị

Bắt đầu từ thể chế đến hành động

Thứ Sáu 23/05/2025 - 15:52

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng và nhân lực là ba trụ cột chiến lược để hành động thực chất, hướng về người dân.

Khi nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, Việt Nam lại đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8%, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây là một con số tưởng như “ngược dòng”. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở một mục tiêu kinh tế táo bạo. Ẩn sau con số ấy là yêu cầu cấp thiết phải tái thiết ba trụ cột chiến lược: thể chế, hạ tầng và nhân lực.

Và để những trụ cột đó vững chắc, điều cần thiết hơn cả là một sự quyết liệt từ thể chế đến hành động, nơi phân cấp phải đi cùng trách nhiệm, cải cách không chỉ nằm trên giấy và mọi chính sách đều phải hướng về dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng và nhân lực là ba trụ cột chiến lược để hành động thực chất, hướng về người dân. Ảnh: Phạm Thắng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng và nhân lực là ba trụ cột chiến lược để hành động thực chất, hướng về người dân. Ảnh: Phạm Thắng.

Biến điểm nghẽn thể chế thành động lực

Sáng 23/5, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và các nội dung trọng tâm năm 2025. Tại Tổ 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có nhiều phát biểu chỉ đạo đáng chú ý, nhấn mạnh yêu cầu phân cấp gắn với tăng cường năng lực thực thi và kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh”. Đây không chỉ là một thông điệp chính trị, mà là định hướng chiến lược cho hành động cụ thể.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật là một bước đi then chốt. Đổi mới thể chế không còn dừng ở việc sửa vài điều luật hay gỡ rối kỹ thuật hành chính mà phải nhắm tới việc làm cho thể chế trở thành động lực thực sự cho doanh nghiệp và người dân, giúp họ dễ thở hơn, mạnh dạn hơn trong làm ăn và sáng tạo.

Bện cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra rằng, khi chi phí logistics chiếm tới 17-18% GDP gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu (mức trung bình của thế giới là 10 - 11% GDP), thì đó là lời cảnh báo rằng hạ tầng chưa theo kịp khát vọng phát triển.3.000 km cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, liên thông Lào Cai - Hải Phòng - Trung Quốc - Trung Á - châu Âu… là những “đường lớn” mà Chính phủ đang dốc sức vẽ lên bản đồ phát triển mới.

Song, hạ tầng không chỉ là giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hạ tầng giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thể thao đều phải phát triển để mang tính bao trùm, đồng bộ. Đó là những “đường ngầm” ít thấy hơn cũng phải được đầu tư tương xứng để tạo nên một sự phát triển đồng bộ, bền vững và nhân văn.

Từ học để biết, sang học để làm

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8. Ảnh: Phạm Thắng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 8. Ảnh: Phạm Thắng.

Một trong những chuyển dịch quan trọng mà Chính phủ đang thúc đẩy là thay đổi căn bản cách tiếp cận trong giáo dục và đào tạo: không chỉ dạy kiến thức, mà phải đào tạo kỹ năng, thậm chí là kỹ năng cạnh tranh toàn cầu. Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một phần của chiến lược này. Khi năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực, thì đầu tư cho con người không còn là lựa chọn, mà là mệnh lệnh phát triển.

"Cơ hội đến và đi rất nhanh, nếu xử lý cầm chừng thủ tục thì cơ hội đi lúc nào không biết, giải quyết xong thì cơ hội đã đi mất", Thủ tướng nói. Đó là lý do Chính phủ kiên quyết với thông điệp phân cấp, phân quyền nhưng phải đi kèm với phân bổ nguồn lực, năng lực thực thi và cơ chế giám sát.

Tinh thần “ai gần dân thì phân cấp” không chỉ thể hiện sự tin tưởng vào chính quyền cơ sở, mà còn đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi từ tâm thế bị động, chờ dân đến gõ cửa chuyển sang chủ động phục vụ dân, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm. Chính quyền phải chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”.

Tư duy mới cho hành động mới

Sự bùng nổ rồi đình trệ của các dự án điện gió, điện mặt trời là minh chứng rõ nét cho việc chính sách thiếu chuẩn gây lãng phí lớn đến mức nào. Hàng trăm nhà máy xây sai quy hoạch, sai thủ tục và quan trọng hơn là những dòng tiền đổ vào không mang lại hiệu quả đã tạo ra một gánh nặng lớn.

Nhưng thay vì trốn tránh, Chính phủ chọn cách đối diện. “Không thể đòi hỏi thu về 100% mà phải chấp nhận mất mát, đau đớn” lời của Thủ tướng là một sự thừa nhận thẳng thắn, một bài học cần thiết để tiến lên.

Chuyển động từ thể chế đến hành động không thể bằng lời nói suông. Nó cần một tinh thần hành động như Thủ tướng đã khẳng định: “Không cầu toàn, không nóng vội, phải vô tư, trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Những cải cách phân cấp, quy hoạch, cắt giảm thủ tục nếu được thực thi với tinh thần này thì sẽ tạo ra một chính phủ không chỉ hành động, mà hành động vì dân.

Và chỉ khi ấy, con số tăng trưởng 8% mới không còn là ảo vọng, mà là kết quả của những cải cách thực chất  và bắt đầu từ thể chế, nhưng kết thúc bằng hành động cụ thể, thiết thực.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bat-dau-tu-the-che-den-hanh-dong-d754688.html