Thứ năm 24/04/2025 - 10:06
Thời sự Nông nghiệp - Môi trường
Báo Nông nghiệp và Môi trường lan tỏa thông điệp xanh, sống bền vững
Thứ Năm 24/04/2025 - 10:05
Báo Nông nghiệp và Môi trường đã và đang góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của sản xuất nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy gửi thư chúc mừng Báo Nông nghiệp và Môi trường
- Báo Nông nghiệp và Môi trường chắc chắn phải trở thành tờ báo giải pháp
- Báo Nông nghiệp Môi trường và 3 giá trị cốt lõi của kỷ nguyên mới
- Báo Nông nghiệp và Môi trường, bước tiến mới cho một Việt Nam bền vững
Trong xu thế phát triển, truyền thông có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp và môi trường. Truyền thông không chỉ là cầu nối giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân mà còn là công cụ hiệu quả để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông nghiệp bền vững. Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, ngành nông nghiệp và môi trường Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở hợp nhất hai sở. Theo ông, việc hợp nhất này sẽ mang lại những cơ hội và thách thức gì đối với sự phát triển của ngành trong tương lai?
Thanh Hóa là địa phương đất rộng, người đông, có địa hình đa dạng gồm miền núi, trung du, đồng bằng, duyên hải và thềm lục địa. Các đồng bằng ven sông Mã, sông Chu phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, trồng lúa, hoa màu. Vùng trung du, miền núi thuận lợi phát triển cây công nghiệp như chè, mía, cây ăn quả...
Thanh Hóa còn có bờ biển dài 102km, thuận lợi cho nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gắn với các hoạt động du lịch, kinh tế. Ngoài ra, Thanh Hóa có sự đa dạng về tài nguyên và hệ sinh thái, là điều kiện quan trọng để phát triển các ngành nông nghiệp, du lịch sinh thái và công nghiệp chế biến.
Do vậy, việc hợp nhất 2 sở là bước đi quan trọng trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng các giải pháp tổng thể trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung, ngành nông nghiệp và môi trường nói riêng nhằm phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.
Việc hợp nhất hai sở sẽ giúp tối ưu hóa công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm bớt sự chồng chéo trong các quy trình, thực hiện các thủ tục hành chính, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và sử dụng nguồn lực. Cùng với đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc triển khai các chính sách, chiến lược phát triển đồng bộ và thống nhất; tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan, ngành chức năng trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông nghiệp bền vững.
Việc hợp nhất sẽ giúp khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường hiệu quả hơn; đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, từ đó giúp bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, việc tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp xanh và bền vững không chỉ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm nông sản mà còn góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Thanh Hóa trên thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và môi trường nói chung, của Thanh Hóa nói riêng cũng đang có không ít khó khăn, đó là vấn đề bảo vệ môi trường trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nếu không có biện pháp quản lý tài nguyên hợp lý, dễ dẫn đến ô nhiễm đất, nước và suy thoái tài nguyên thiên nhiên, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nông nghiệp là ngành kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên, khai thác trực tiếp tài nguyên. Ông đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong việc truyền tải các thông điệp chính sách pháp luật về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường thời gian qua?
Truyền thông đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng trong phát triển nông nghiệp, quản lý, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thông qua các kênh truyền thông như báo chí, truyền hình, mạng xã hội, nhiều nông dân đã tiếp cận và áp dụng các kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường; cộng đồng hiểu rõ hơn về những tác động của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững, ảnh hưởng đến sự cân bằng sinh thái và gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường gặp gỡ bà con vùng chuyên canh đào tại huyện Triệu Sơn. Ảnh: Quốc Toản.
Tại Thanh Hóa, thời gian qua, việc truyền tải các thông tin về mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, thông minh trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các bài viết trên Báo Nông nghiệp và Môi trường với hàng nghìn tác phẩm có chất lượng đã và đang giúp bà con nông dân và doanh nghiệp học hỏi, tiếp cận những kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường ở Thanh Hóa đang thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch và sản phẩm nông nghiệp an toàn; góp phần xây dựng mạng lưới hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển nông nghiệp bền vững; thúc đẩy các cá nhân, tổ chức cùng bắt tay hành động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông nghiệp lâu dài.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản tại Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.
Thông qua cơ quan báo chí, các thông tin về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa được lan tỏa sâu rộng, giúp người dân, doanh nghiệp và các tổ chức nắm bắt kịp thời, giúp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Việc truyền tải những thông tin này một cách dễ hiểu và cụ thể đã giúp nông dân và cộng đồng hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, từ đó tạo sự đồng thuận và hợp tác trong việc thực thi các chính sách.
Ngoài ra, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và xử lý hiệu quả các vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, góp phần xây dựng môi trường quản lý nhà nước minh bạch và hiệu quả hơn.
Truyền thông giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân thông qua báo chí có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo ông, làm gì để sự phối hợp đó được hiệu quả hơn nữa vì sự phát triển chung?
Để đạt hiệu quả truyền thông trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường tại Thanh Hóa, trước hết cần tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các bên để hiểu rõ nhu cầu và khó khăn của nhau.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.
Đẩy mạnh tổ chức các hội thảo, tọa đàm để trao đổi thông tin và đưa ra các giải pháp phù hợp trong chiến lược phát triển chung của ngành nông nghiệp và môi trường. Những sự kiện này sẽ tạo cơ hội cho các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân cùng ngồi lại, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về những khó khăn, thách thức mà ngành đang phải đối mặt, đồng thời tìm kiếm các giải pháp tối ưu để phát triển bền vững.
Cần xây dựng chiến lược truyền thông rõ ràng, dễ hiểu, thông qua cơ quan qua báo chí và các kênh truyền thông khác để truyên tải các thông điệp trong quản lý nhà nước, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chính sách và dự án nông nghiệp, các dự án phát triển xanh, sạch, bền vững.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào các sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững tại Thanh Hóa. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ tạo môi trường phát triển nông nghiệp xanh và bảo vệ tài nguyên hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
"Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa mong muốn các cơ quan truyền thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp, thông tin sâu rộng, đầy đủ về các mô hình sản xuất sạch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường".
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bao-nong-nghiep-va-moi-truong-lan-toa-thong-diep-xanh-song-ben-vung-d744158.html