| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 28/04/2025 - 15:39

Thú y

Bài toán nhân lực ngành thú y: [Bài 2] Thú y bao giờ bằng nhân y?

Thứ Hai 28/04/2025 - 15:36

Ngành thú y cần được nhìn nhận khách quan, đầu tư nhiều hơn để thể hiện đúng vai trò, tầm quan trọng của mình trong bối cảnh mới.

Nghề của hiểm nguy

Bác sĩ thú y là một nghề nguy hiểm, có nhiều rủi ro. Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) đã định nghĩa vai trò của bác sĩ thú y là bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi và bảo vệ phúc lợi động vật cho vật nuôi. Đây còn là nghề trực tiếp bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Lực lượng thú y Đồng Nai đang lấy mẫu phân tại vùng dịch cúm A/H5N1 khiến 21 con hổ, báo chết tại khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: Lê Bình.

Lực lượng thú y Đồng Nai đang lấy mẫu phân tại vùng dịch cúm A/H5N1 khiến 21 con hổ, báo chết tại khu du lịch Vườn Xoài. Ảnh: Lê Bình.

Đồng Nai là điểm nóng về tình trạng các lò giết mổ lậu. Đây là vấn nạn rất khó giải quyết của ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Trong suốt quá trình công tác của mình, ông Lê Tấn Việt, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Phú không ít lần đối diện với những nguy hiểm từ nghề.

Ông Việt nhớ lại, có những lúc làm nhiệm vụ phát hiện và xử phạt những lò giết mổ lậu, ngỡ tưởng ông phải nhập viện hoặc chấp nhận thương tật. “Những đối tượng cầm dao bầu chống cự quyết liệt khi đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu xử lý tang vật. Chính tôi cũng nhiều lần bị chúng dí dao vào cổ hoặc ném đồ vật vào người. Những lúc thế này, anh em bị đổ máu là chuyện bình thường”, ông Việt kể.

Cách đây 1 năm, Đồng Nai lần đầu tiên ghi nhận 21 con hổ, báo chết tại Khu du lịch Vườn Xoài. Nguyên nhân được ghi nhận là do cúm gia cầm A/H5N1. Đây là điều “không thể tưởng tượng nổi” với lực lượng thú y Đồng Nai. Cúm A/H5N1 gây tử vong cho người nhưng khiến động vật hoang dã mắc bệnh và tử vong là điều chưa có tiền lệ.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, lực lượng thú y lúc đó gần như bị chới với. Tâm lý lo sợ cũng có, bởi ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng anh em là rất cao.

“Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi xác định, khoanh vùng dịch và chặn đứt nguồn lây là điều bắt buộc, nếu không hậu quả sẽ rất khủng khiếp cho thủ phủ chăn nuôi. Sợ thì cũng có, vì nguy hiểm và cũng còn mới quá, nhưng nhiệm vụ khó mấy cũng phải làm. Mình cứ áp dụng thêm những lưu ý trong thời dịch Covid-19 để tự bảo vệ bản thân”, ông Giang chia sẻ.

Nguy hiểm không chỉ ở riêng lực lượng chống dịch, địa phương mà còn ở cả bác sĩ thú y ở phòng khám thú cưng. Họ thường xuyên phải đối mặt với những áp lực từ chủ nuôi, thậm chí cảm xúc tiêu cực lỡ chẳng may thú cưng chưa được tìm ra bệnh.

Thú cưng thường là những chú cún, mèo rất đắt tiền nên lỡ chẳng may chúng chết vì bất cứ lí do nào thì “thú cưng chết, tội quy về bác sĩ”. Đó là câu chuyện mà bác sĩ thú y Đặng Minh Trung (quận 12, TP. HCM) thường xuyên gặp phải tại phòng khám tư của mình.

“Có chủ nuôi thú cưng chỉ hơi cảm nhẹ đã mất bình tĩnh, giục bác sĩ phải cho nặng liều thuốc. Tuy nhiên, khi mình tư vấn chỉ cần uống thuốc theo đúng hướng dẫn, cần thêm thời gian sẽ khỏi, chủ nuôi nằng nặc đòi dùng liều cao nhất, thậm chí là truyền kháng sinh. Lời qua tiếng lại, họ sẵn sàng văng tục hoặc đòi đánh mình”, bác sĩ thú y Minh Trung kể.

Có lần, phòng khám đỡ đẻ cho một con chó Bully (nhập từ Thái Lan, có giá hơn 300 triệu đồng), vào lúc nửa đêm. Ca đẻ khó, tiên lượng cửa sống của con chó này không cao nên khiến chủ nuôi liên tiếp gây áp lực cho ê kíp đỡ đẻ. Thậm chí, người này còn ngụ ý bắt phòng khám phải đền tiền “sản phụ” và cả đàn chó con. Rất may, sau 2 tiếng đồng hồ, ca mổ đẻ thành công với 6 con chó con được chào đời.

Trào lưu nuôi thú cưng phát triển mạnh mẽ cũng là lúc xã hội cần thêm lượng lớn bác sĩ, nhân viên thú y. Ảnh: Lê Bình.

Trào lưu nuôi thú cưng phát triển mạnh mẽ cũng là lúc xã hội cần thêm lượng lớn bác sĩ, nhân viên thú y. Ảnh: Lê Bình.

Xóa bỏ định kiến, rào cản giữa thú y và nhân y

Bác sĩ thú y và nhân y từ lâu nay được so sánh khá khập khiễng. Bác sĩ nhân y được công nhận là “thiên thần áo trắng” trong việc dự phòng và điều trị bệnh của con người. Còn bác sĩ thú y bị đánh giá thấp hơn, thậm chí coi đó là một ngành dịch vụ.

Khi khoe giấy trúng tuyển đầu vào ngành bác sĩ thú y của trường Đại học Công nghệ TP. HCM (HUTECH), em Trần Thị Mai (ngụ tại huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) bị bạn bè và người thân có phần dè bỉu. Mặc dù điểm xét tuyển của Mai là 27, nhưng em vẫn bị so sánh khi người khác cho rằng đang chọn sai nghề.

“Người ta bảo điểm cao thế sao không học bác sĩ đa khoa. Học thú y mai này về làm thiến heo hay phối bò à. Người thân em lại bảo dại dột, vì bác sĩ nhân y được trọng dụng còn nói về thú y làm gì có tiếng, có tiền mấy đâu”, Mai kể.

Đó cũng là câu chuyện nhiều năm về trước của ông Dương Văn Phụng, Trưởng Phòng Kĩ thuật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh. Gạt bỏ những định kiến, chê bai… ông Phụng vẫn quyết tâm học tập và về địa phương để cống hiến. Khi dịch tả lợn Châu Phi (năm 2020), dịch viêm da nổi cục trên trâu bò (năm 2021) càn quét tại Tây Ninh, chính ông Phụng là một trong những người lăn xả nhất để chặn đứng dịch, không để lây lan thêm. Vì thế, nhiều hộ chăn nuôi tại huyện Tân Châu nhờ đó được cứu thoát khỏi dịch bệnh nguy hiểm này.

“Mình cứ làm việc mình thật tốt, đồng hành cùng bà con nông dân phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Vật nuôi mà bệnh tật thì người nuôi sao mà thoải mái, khỏe được. Định kiến hay những suy nghĩ chưa đúng, từ từ họ sẽ hiểu thôi”, ông Phụng tâm sự.

Bác sĩ thú y được coi là tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Ảnh: Lê Bình.

Bác sĩ thú y được coi là tuyến đầu phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người. Ảnh: Lê Bình.

Trong khi đó, Việt Nam ghi nhận rất nhiều nguồn bệnh lây từ động vật sang người gây tử vong như: cúm A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng… Thực tế, nếu bác sĩ thú y không giỏi nghề, để bệnh xảy ra rất có thể phát triển thành đại dịch, ảnh hưởng đến con người. Vì thế, có thể nói bác sĩ thú y là tuyến dự phòng của nhân loại.

Theo PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, Trường Đại học Nông lâm TP. HCM, mặc dù công việc của họ gắn liền với sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh trên động vật nhưng bác sĩ thú y vẫn chưa được đánh giá tương xứng với đóng góp của mình.

“Ở các nước phát triển như Pháp, bác sĩ thú y có vị thế tương đương với bác sĩ y khoa. Tại Pháp chỉ có bốn trường đào tạo ngành thú y và sinh viên thi đậu vào đều rất tự hào. Thậm chí, các trường còn dành hẳn một tuần đầu năm học để tổ chức lễ chào mừng cho tân sinh viên”, PGS Thông dẫn chứng.

Hiện, các phòng khám và bệnh viện thú y tai jTP. HCM đang trả lương khởi điểm trên 10 triệu đồng/tháng. Nhiều công ty lớn như Tập đoàn BaF, C.P. Việt Nam, De Heus… sẵn sàng trả mức lương từ 15 - 20 triệu đồng cho sinh viên ngành thú y mới ra trường và lên đến 30 - 40 triệu nếu có kinh nghiệm.

Tại trường Đại học Nông lâm TP. HCM, 100% sinh viên trúng tuyển ngành thú y là nguyện vọng một. Tức là các em đã chủ động chọn lựa ngay từ đầu. Điểm chuẩn đầu vào ngành này cũng rất cao, dao động từ 23 - 25 điểm, tương đương ngành y đa khoa của nhiều trường Đại học. Điều đó cho thấy sức hút và sự chuyển biến trong nhận thức của thế hệ trẻ về ngành thú y.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bai-toan-nhan-luc-nganh-thu-y-bai-2-thu-y-bao-gio-bang-nhan-y-d748079.html