| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 28/04/2025 - 07:50

Thú y

Bài toán nhân lực ngành thú y: [Bài 1] Cung chưa đủ cầu

Thứ Hai 28/04/2025 - 07:45

Số lượng bác sĩ thú y tốt nghiệp hàng năm chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế, đang trở thành bài toán nan giải, trong khi ngành chăn nuôi ngày càng phát triển.

Thị trường lao động "khát" bác sĩ thú y

Hiện, Việt Nam có khoảng 22 trường đại học đang đào tạo sinh viên trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Tổng lượng sinh viên ra trường từ các cơ sở đào tạo này khoảng gần 5.000 cử nhân, bác sĩ thú y mỗi năm. Trong khi đó, nhu cầu thị trường lại cao hơn rất nhiều.

Số doanh nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên cả nước hiện khoảng hơn 1.000 và khoảng 2.900 - 3.000 phòng khám, bệnh viện thú y. Nếu một phòng khám mỗi năm chỉ tuyển một bác sĩ thú y thị trường cũng cần rất nhiều nhân lực ngành này.

Việt Nam vẫn đang còn thiếu rất nhiều bác sĩ thú y cho các công việc đặc thù. Ảnh: Lê Bình.

Việt Nam vẫn đang còn thiếu rất nhiều bác sĩ thú y cho các công việc đặc thù. Ảnh: Lê Bình.

Một khảo sát mới nhất của các trường đào tạo về lĩnh vực chăn nuôi - thú y cho thấy, trong 10 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y thì đã có nhu cầu tuyển mới khoảng hơn 3.000 nhân công, chuyên viên. Đó là lý do tại sao mà hiện nay hầu hết các công ty, đơn vị đều khó tuyển dụng nhân sự.

Ước tính, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 19.000 bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề, nhằm đáp ứng được các công việc trong nghiên cứu, quản lý vật nuôi tại trang trại, công ty về chăn nuôi… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm, lực lượng thú y thiếu hụt càng khiến ngành chăn nuôi gặp nhiều rủi ro.

Có thể nói, chưa khi nào nhân lực thú y lại “hot” như hiện nay. Mặc dù đầu vào tuyển sinh của các trường đại học có đào tạo về chăn nuôi - thú y rất cao, nhưng lượng sinh viên dự tuyển vẫn đông, điểm đầu vào rất cao.

Đơn cử điểm chuẩn đầu vào của khoa Chăn nuôi - Thú y của trường Đại học Nông lâm TP.HCM năm 2024 theo phương thức học bạ là 27 điểm, còn phương thức thi THPT quốc gia là 25 điểm. Tỉ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng chuyên môn của Khoa này cũng ở mức rất cao, gần 100%.

Thậm chí, tại các doanh nghiệp sản xuất vacxin và thuốc thú y, nhân lực cũng trở thành bài toán khó. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc một công ty sản xuất vacxin thú y tại Đồng Nai cho biết, công ty luôn “săn đón” những sinh viên có năng lực, tâm huyết để vào công ty làm việc nhưng vẫn rất khó.

“Chúng tôi mở rộng quy mô nhưng không thể tuyển đủ nhân sự. Những vị trí đòi hỏi chuyên môn cao về miễn dịch, dịch tễ và công nghệ sinh học gần như rất khó. Chúng tôi sẵn sàng nhận những sinh viên mới ra trường để vào công ty làm việc, chấp nhận đào tạo thêm nhưng vẫn rất khó tuyển dụng với số lượng như mong muốn”, ông Minh cho hay.

Bác sĩ thú y được các tập đoàn, công ty về chăn nuôi, thuốc thú y săn đón từ khi chuẩn bị tốt nghiệp, với mức lương hấp dẫn. Ảnh: Lê Bình.

Bác sĩ thú y được các tập đoàn, công ty về chăn nuôi, thuốc thú y săn đón từ khi chuẩn bị tốt nghiệp, với mức lương hấp dẫn. Ảnh: Lê Bình.

Không chỉ trong các doanh nghiệp, tình trạng thiếu bác sĩ thú y còn lan sang các trang trại quy mô lớn. Ông Trần Văn Hùng, chủ trang trại hơn 5.000 con lợn ở Bình Dương, bày tỏ lo lắng: “Dịch bệnh vẫn là nỗi lo lớn nhất, nhưng nhân lực thú y có chuyên môn để kiểm soát lại quá ít. Tìm được người vừa có kiến thức, vừa sẵn sàng làm việc thực tế không hề dễ. Nhiều sinh viên ra trường ngại xuống trang trại vì công việc vất vả, lương khởi điểm không được hấp dẫn nhưng nếu không có họ, chúng tôi không thể duy trì sản xuất ổn định”.

Nguyên nhân do đâu?

Tình trạng thiếu bác sĩ thú y không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà còn tác động lớn đến ngành nông nghiệp nói chung. Việc giải quyết bài toán nhân lực không thể chỉ là trách nhiệm của các trường đại học hay doanh nghiệp, mà cần có sự phối hợp từ nhà nước, ngành giáo dục và thị trường lao động. Khi có chính sách hợp lý, ngành thú y không chỉ thu hút được nhiều lao động trẻ mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.

Theo PGS.TS Lê Quang Thông, Trưởng khoa Chăn nuôi - Thú y, trường Đại học Nông lâm TP.HCM, việc cung không đủ cầu trong đào tạo nguồn nhân lực thú y một phần do xu thế của chúng ta đang đi ngược với lại thế giới, đặc biệt đối với các nước phát triển. Các nước phát triển không đào tạo nhiều bác sĩ thú y như Việt Nam mà thay vào đó họ chú trọng vào chất lượng đào tạo và đồng bộ bằng công nghệ.

“Lấy ví dụ, Indonesia có dân số gấp ba lần Việt Nam nhưng số trường thú y của họ lại ít hơn so chúng ta. Việt Nam đang có 22 trường đại học đào tạo về thú y. Trong khi Indonesia lại chỉ có 13 trường. Hoặc Nhật Bản cũng chỉ có khoảng 17 trường đào tạo bác sĩ thú y với tổng lượng sinh viên ra trường mỗi năm là hơn 500”, PGS.TS Lê Quang Thông cho hay.

Sinh viên tham gia thực hành phẫu thuật trên vật nuôi. Ảnh: LB.

Sinh viên tham gia thực hành phẫu thuật trên vật nuôi. Ảnh: LB.

Đối với các nước phát triển, ngành chăn nuôi được ứng dụng công nghệ số trong quản lý đàn, chăm sóc. Do đó, mỗi công ty cũng chỉ cần 1 - 2 bác sĩ thú y theo dõi sức khỏe vật nuôi và vận hành quy trình chăm sóc. Trong khi đó, ngành chăn nuôi nước ta còn dành quá nhiều trực tiếp theo dõi, kiểm soát các trang trại. PGS.TS Lê Quang Thông khẳng định: “Như thế, rất lãng phí nguồn nhân lực”.

Chưa kể, khảo sát thị trường tại chính các trường đào tạo cho thấy, khá nhiều sinh viên ngành thú y ra trường lại chọn mảng tiếp thị và kinh doanh cho các công ty, thay vì làm bác sĩ thú y. Mặc dù với kiến thức sẵn có, sinh viên thú y đáp ứng tốt yêu cầu và kiến thức trong việc tiếp thị, nhưng rõ ràng việc đào tạo cho ngành đặc thù này đang bị lãng phí.

Cơ sở vật chất đào tạo thú y của Việt Nam chưa đáp ứng đủ với thực tế so với các nước khác. Thực tế lao động thị trường đang phát triển quá nhanh nên khiến nhiều trường đào tạo không thể theo kịp. Vì vậy chất lượng đào tạo không đồng đều và nhiều nơi thời lượng dạy thực hành rất ít trong khi ngành thú y cần thời lượng thực hành nhiều. Chính vì thế, nhiều trường buộc sinh viên phải trải qua 6 tháng thực tập tại cơ sở. Điều này giúp sinh viên nắm vững được các đòi hỏi của thị trường lao động, tự mình trang bị thêm kiến thức và kĩ năng mềm ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Xu hướng hiện nay, học sinh tốt nghiệp THPT học lên đại học có xu hướng chọn nhóm ngành kinh tế, kinh doanh, công nghệ nhiều hơn nhóm ngành khác. Trong khi đó, điểm sàn cho khối ngành thú y vẫn ở mức khá cao, tỉ lệ chọi cũng thuộc top đầu. Bác sĩ thú y vẫn bị coi là nghề kém sang, vất vả mà thu nhập lại chưa nổi bật… Đây cũng là lí do được các trường đánh giá khó thu hút các học sinh theo học ngành thú y.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bai-toan-nhan-luc-nganh-thu-y-bai-1-cung-chua-du-cau-d748074.html