Thứ sáu 25/04/2025 - 16:07
Sức khỏe - Gia đình
Bài học quá đắt
Thứ Hai 29/09/2008 - 11:50
Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm PGS.TS Nguyễn Công Khẩn chua xót nói vụ sữa nhiễm độc melamine là "bài học quá đắt".
Trẻ em nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao nhất bị tổn thương về sức khỏe do ảnh hưởng của sữa bột có melamine, vì sao?
Kiểm nghiệm sữa để phát hiện melamine
Đây là một loại hóa chất (công thức hóa học là C3H6N6) dùng trong công nghiệp sản xuất nhựa formica, keo dán công nghiệp, chất dẻo, bột xốp, tuyệt đối không được phép dùng trong chế biến thực phẩm.
Việc cho melamine vào sữa là một hành vi gian dối với mục đích làm tăng độ đạm tổng số trong sữa, đánh lừa về mặt chất lượng sản phẩm.
Trẻ em nhỏ trong hai năm đầu đời, nhất là giai đoạn dưới 6 tháng tuổi, với chức năng thận, tiết niệu, gan chưa hoàn thiện nên khả năng trung hòa, kiểm soát các chất độc trong cơ thể rất kém so với trẻ lớn và người trưởng thành.
Trẻ nhỏ dưới sáu tháng tuổi được khuyến cáo cần bú sữa mẹ hoàn toàn sáu tháng đầu, tiếp theo cho ăn bổ sung và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 2 tuổi. Đây là một khuyến cáo khoa học và đã gặp không ít thách thức vì tâm lý các bà mẹ nuôi con muốn dùng sữa ngoài từ rất sớm, một phần vì điều kiện công việc, một phần vì bị cuốn theo các thông tin quảng cáo của nhiều hãng sữa.
Không chỉ ở nước ta, ở Trung Quốc và nhiều nước khác xu hướng nuôi con bằng sữa mẹ giảm đi, thay vào đó là thức ăn chế biến sẵn và được dùng cho trẻ từ rất sớm. Khi trẻ nhỏ dùng sữa bột để thay thế sữa mẹ thì thật nguy hiểm, vì tăng nguy cơ tử vong gấp bốn lần so với trẻ được bú mẹ. Nếu sữa hoặc sản phẩm thay thế sữa mẹ bị nhiễm các chất độc hại thì nguy hại tăng lên bội phần!
Chúng ta đã biết rất rõ số trẻ bị sỏi thận phải vào viện ở Trung Quốc ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy một bài học quá đắt về chương trình nuôi con bằng sữa mẹ ở Trung Quốc. Chúng ta cũng cần biết rằng đối với người lớn và đối với các sản phẩm không phải là sữa nếu không may bị nhiễm melamine thì cũng không đến nỗi nguy hại như đối với trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ được mẹ cho dùng hằng ngày, liên tục, còn người lớn không ai ăn bánh kẹo nhiều tới mức 1-2 kg/ngày (giả sử có melamine) để ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe.
Theo quy định của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu, ngưỡng an toàn đối với melamine ăn vào hằng ngày là 0,5mg trên 1kg thể trọng, trong khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định là 0,63mg/kg/ngày.
Ở nước ta hiện nay mới chỉ 17% trẻ nhỏ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời, việc bắt đầu cho trẻ bú trong vòng một giờ đầu sau khi sinh không được như mong muốn chiếm 58%, khoảng 80% trẻ em được cho ăn thức ăn bổ sung ngoài sữa mẹ trước sáu tháng tuổi. Như vậy, chương trình tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ của chúng ta còn hết sức hạn chế.
Xu hướng bà mẹ nuôi con bằng sữa ngoài đang gia tăng cùng với quá trình đô thị hóa và sự quảng cáo rầm rộ của các công ty sữa. Thậm chí nhiều thầy thuốc còn băn khoăn khi khuyên bà mẹ cho con bú hoàn toàn sáu tháng đầu, điều mà khoa học dinh dưỡng đã chứng minh là hoàn toàn có thể và tối cần thiết. Gần đây, theo nghiên cứu của các nhà dinh dưỡng, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi có xu hướng tăng, nhất là ở các đô thị và có liên quan đến việc tăng sử dụng sữa ngoài.
Tiến trình hội nhập đang diễn ra ở nước ta và đồng hành với nó là các nguy cơ có tính toàn cầu về an toàn thực phẩm. Bài học sữa có melamine xuất xứ từ Trung Quốc cũng là một bài học rất quan trọng về cách nhìn và cách giải quyết có tính tổng thể các vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay. Chế độ ăn uống bảo đảm dinh dưỡng phải gắn liền với an toàn và hợp lý dinh dưỡng, đặc biệt đối với trẻ em - lứa tuổi rất dễ bị tổn thương.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bai-hoc-qua-dat-d21638.html