Đây là cơ sở để có thể quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng các mô hình canh tác thích ứng biến đổi khí hậu, tổ chức sản xuất theo chuỗi và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bước đi cụ thể tại địa phương
Tại tỉnh Quảng Ninh, một dự án phân vùng khí hậu cho 15 loại cây trồng chủ lực và cây dược liệu bản địa đã được triển khai. Hiện nay, tỉnh đã có một hệ thống bản đồ riêng biệt, thể hiện những vùng trồng có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp cho từng loại cây. Toàn bộ dữ liệu đã được cập nhật thành công vào hệ thống GIS vùng tỉnh Quảng Ninh và có thể chia sẻ rộng rãi với hệ thống hỗ trợ các dịch vụ bản đồ không gian (WMS/WFS).

Giao diện trang web cung cấp 60 bản đồ mức độ phù hợp về điều kiện khí hậu và đất đối với cây dược liệu tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TN.
Đại diện đơn vị triển khai dự án, TS. Nguyễn Đăng Mậu, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp (Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu) cho biết: Quá trình xây dựng bản đồ phân vùng trải qua nhiều công đoạn: từ thu thập dữ liệu, áp dụng các mô hình đánh giá sinh thái (như LUSET, Ecocrop, mô hình điểm thích nghi...), xử lý bằng phần mềm GIS. Tiếp đó, các chuyên gia tiếp tục hiệu đánh giá và điều chỉnh thông tin, dữ liệu thông qua hội thảo chuyên đề và thảo luận với cán bộ địa phương.
Cần phải nói thêm rằng, việc xây dựng bản đồ khí hậu nông nghiệp cho các đối tượng sản xuất nông nghiệp không thể thành công nếu không có phương pháp tiếp cận liên kết giữa khí tượng, nông nghiệp, quy hoạch và tài nguyên. Điều này giúp bản đồ phân vùng có tính ứng dụng cao và phù hợp thực tiễn sản xuất tại Quảng Ninh.

TS. Nguyễn Đăng Mậu, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp (Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu) thăm mô hình trồng xen cây giổi xanh với cây cát sâm. Ảnh: TN.
Chính quyền địa phương có thể sử dụng bản đồ để hỗ trợ quy hoạch vùng nguyên liệu, đưa vào các đề án phát triển OCOP, chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày một tăng, bản đồ phân vùng còn hỗ trợ xác định vùng có nguy cơ rủi ro cao để địa phương, người dân chủ động chuyển đổi sản xuất, giảm thiểu thiệt hại.
Sau thành công của bản đồ phân vùng khí hậu cây chủ lực và cây dược liệu, trong giai đoạn 2025-2027, Sở NN-MT tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hợp tác với Viện để xây dựng công cụ quản lý rủi ro khí hậu đối với một số cây trồng (lúa, rau màu) và vật nuôi (gà, lợn) trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Độ phức tạp tăng dần theo quy mô phân vùng
Khi diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng khó lường, bản đồ phân vùng khí hậu nông nghiệp không chỉ đơn thuần thể hiện đặc trưng khí hậu, mà còn cung cấp cái nhìn toàn diện về điều kiện sinh thái, nhằm tối ưu hóa lựa chọn cây trồng, mùa vụ, và phương án tổ chức sản xuất tại từng vùng.
Với thế mạnh chuyên môn trong lĩnh vực khí tượng nông nghiệp, những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Nông nghiệp đã tiên phong triển khai phân vùng khí hậu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Từ khu vực miền núi phía Bắc (các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La) tới duyên hải Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa), Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông), Đồng bằng sông Cửu Long (Sóc Trăng, An Giang...). Cách thức triển khai linh hoạt thông qua các nhiệm vụ chuyên môn, đề tài cấp tỉnh, dự án hỗ trợ kỹ thuật được lồng ghép những chương trình trọng điểm như GCF-SACCR, NTP-BĐKH, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
“Càng làm, chúng tôi càng rút ra nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện các bản đồ phân vùng. Niềm vui của người làm khoa học được nhân lên khi sản phẩm làm ra hỗ trợ tốt cho ngành nông nghiệp địa phương, giúp bảo tồn và nhận rộng diện tích nuôi trồng cây, con giống bản địa. Người dân làm giàu từ sản vật quê hương mình”, TS. Nguyễn Đăng Mậu chia sẻ.

Đoàn công tác kiểm tra hiện trạng sinh trưởng và phát triển cây dược liệu tại mô hình thí điểm phù hợp với tài nguyên khí hậu và tài nguyên đất. Ảnh: TN.
Việc triển khai phân vùng khí hậu nông nghiệp ở các quy mô khác nhau – từ cấp huyện, cấp tỉnh cho đến cấp quốc gia – đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm thiết thực, đồng thời cũng bộc lộ rõ những điểm nghẽn cần giải quyết.
Tại cấp huyện và xã, phân vùng cho phép mô tả chi tiết điều kiện sinh thái – khí hậu, từ đó hỗ trợ tốt cho việc khuyến cáo sản xuất và lập kế hoạch mùa vụ ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi tích hợp nhiều loại dữ liệu khác nhau với độ phân giải cao.
Trong khi đó, ở quy mô cấp tỉnh hoặc quốc gia, phân vùng có thể phục vụ xây dựng các định hướng chiến lược và quy hoạch vùng sản xuất tập trung, nhưng thường thiếu độ sâu cần thiết để áp dụng cụ thể vào thực tiễn canh tác tại địa phương.
Cần đan dày dữ liệu khí hậu và thổ nhưỡng
Vấn đề gây “đau đầu” nhất khi bắt tay xây dựng bản đồ phân vùng khí hậu là dữ liệu đầu vào. Trong đó bao gồm chuỗi số liệu khí tượng – thủy văn dài hạn (trên 30 năm), kết hợp với dữ liệu địa hình, thổ nhưỡng và hiện trạng sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế chỉ ra, mạng lưới quan trắc khí tượng hiện nay vẫn còn thưa, nhất là ở vùng miền núi và ven biển – nơi có khí hậu thường xuyên có biến động mạnh. Theo PGS. TS Dương Văn Khảm, Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp, các chuyên gia có thể khắc phục bằng cách sử dụng số liệu từ các trạm xa thông qua các phép toán nội suy, nhưng điều này vẫn không tránh khỏi những sai số trong tính toán, ảnh hưởng đến độ chính xác của bản đồ phân vùng.

Kiểm tra mô hình trồng xen cây lát hoa, ba kích, trà hoa vàng. Ảnh: TN.
Song song với đó, dữ liệu thổ nhưỡng cũng còn thiếu, đặc biệt là thiếu thông tin phẫu diện đất – một yếu tố quyết định trong đánh giá độ dày tầng canh tác, kết cấu đất, độ thoát nước và khả năng giữ ẩm – các chỉ số ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng và năng suất cây trồng.
Mặt khác, tại nhiều địa phương, nhất là cấp xã – huyện, cán bộ mất nhiều thời gian để hiểu và sử dụng bản đồ khí hậu, chưa quen với công cụ GIS hoặc hệ thống dữ liệu khí tượng. Trong khi đây lại chính là đội ngũ đưa bản đồ phân vùng vào sử dụng thường xuyên trong tổ chức sản xuất và có vai trò quyết định đến hiệu quả ứng dụng bản đồ.
“Dẫn lối” cho sản xuất
Để bản đồ phân vùng khí hậu thật sự trở thành công cụ "dẫn lối" cho sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp đề xuất một số giải pháp trọng tâm.
Trước hết, cần đầu tư hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, tăng mật độ trạm tại các khu vực trọng điểm nông nghiệp và vùng nhạy cảm với biến đổi khí hậu. Chính phủ đã có quy hoạch cụ thể mạng lưới trạm đến 2030, tầm nhìn đến 2050, nhưng chỉ nguồn lực của nhà nước là không đủ. Mỗi địa phương cần dựa trên nhu cầu thực tiễn để huy động nguồn lực đầu tư thêm các trạm khí tượng tự động, nhằm chuẩn bị sẵn nguồn dữ liệu khí hậu phục vụ phân vùng.
Bên cạnh đó, cần triển khai chương trình điều tra, phân tích và số hóa thổ nhưỡng chi tiết ở cấp xã – huyện, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu phẫu diện đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, trồng rừng và phát triển cây dược liệu. Việc cập nhật bản đồ đất định kỳ, tích hợp với bản đồ khí hậu, sẽ giúp xây dựng được bản đồ phân vùng có giá trị ứng dụng cao hơn, phục vụ tốt hơn cho cả quy hoạch và sản xuất.
Trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số, cung cấp dữ liệu trực tuyến tới cán bộ và người dân ở địa phương. Cán bộ xã, hợp tác xã và người dân có thể chủ động tra cứu, phân tích và ứng dụng thông tin phân vùng. Chỉ khi đó, bản đồ khí hậu nông nghiệp mới thực sự phát huy được vai trò là công cụ định hướng sản xuất hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu bền vững.