| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 26/04/2025 - 12:05

Phóng sự

Bài cuối: Nơi an nghỉ nào cho vua Hàm Nghi?

Thứ Tư 22/10/2008 - 08:00

Vua Hàm Nghi, tên huý là Nguyễn Phúc Ưng Lịch sinh ngày 3/8/1871. Ông lên ngôi ngày 2/8/1884, khi mới 13 tuổi.

Vua Hàm Nghi, tên huý là Nguyễn Phúc Ưng Lịch sinh ngày 3/8/1871. Ông lên ngôi ngày 2/8/1884, khi mới 13 tuổi. Một năm sau, rạng sáng 6/7/1885, nhà vua bất ngờ được các quan đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa trốn khỏi Hoàng cung sau cuộc binh biến chống Pháp bất thành tại đồn Mang Cá. Ngày 26/9/1888, vua Hàm Nghi bị bắt. Và cựu hoàng yêu nước bắt đầu chuyến lưu đày viễn xứ.

>> Bài 4: ''Lâu đài'' của Khải Định
>> Bài 3: Nhà vua thi sĩ và nơi yên nghỉ thơ mộng
>> Bài 2: Vua Minh Mạng 14 năm đi tìm đất xây lăng
>> Bí mật về lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn

Mộ vua Hàm Nghi ở Pháp

Ngày ra đi cay đắng

Câu tự vấn của vua Hàm Nghi đến hôm nay khi đọc lại, chúng ta thầm ngưỡng mộ cái khí phách của ông: “Tay nhớp (bẩn) lấy nước để rửa, nước nhớp lấy gì để rửa?”, rồi nhà vua tự trả lời: “Nước nhớp lấy máu (gươm) mà rửa!”. Bắt đầu từ đó, vị vua trẻ dám từ bỏ ngai vàng, hướng về nơi núi rừng, hội tụ nghĩa quân phất cờ Cần Vương cứu nước.

Sau bốn năm sống trong rừng sâu, cơm thiếu, gạo khan, gian truân vất vả đã biến Hàm Nghi thành một ông vua cương nghị và có khí tiết. Hôm ông bị bọn phản bội Trương Quang Ngọc vây bắt, nhà vua cầm thanh gươm đưa cho Ngọc và bảo: “Mi giết ta còn hơn mang ta nộp cho Tây”. Nhìn lại bốn năm sống và chiến đấu nơi rừng thiêng nước độc, nhà vua biết sứ mệnh của mình đã hết. Sắp bước vào cõi chết, song nhà vua vẫn vô cùng điềm tĩnh, cái điềm tĩnh của một con người rất muốn làm tròn sứ mạng với dân tộc, chỉ tiếc do sa cơ nên thời vận đã đi qua.

Sau khi bị bắt, vua Hàm Nghi đã được đưa thẳng về Thuận An, chuẩn bị cho chuyến lưu đầy nơi đất khách. Quay đầu nhìn về phía Đại Nội, hoàng cung xưa vẫn còn đó, nhưng vua Hàm Nghi thì không một ngày trở lại. Tại biển Thuận An, nhà vua trẻ chỉ được dừng chân trong thời gian ngắn ngủi. Được tin Hoàng hậu đang ốm nặng, nhưng nhà vua đã nén chặt nỗi đau “Tôi thân đã tù, nước đã mất thì còn nghĩ gì đến cha mẹ, anh chị em nữa”. Ngày ra đi của nhà vua là chuyến lưu đày vĩnh viễn, nhưng tên tên tuổi của ông vẫn mãi được lưu truyền trong sử sách.

Trở về an nghỉ nơi đâu?

Mấy mươi năm lưu đầy nơi đất khách, bệnh trọng và tuổi tác đã khiến nhà vua yêu nước từ giã cỏi đời ngày 4/01/1944, ở tuổi 73, tại thủ đô Algierie, mang theo nỗi u hoài, tủi hờn. Nấm mồ của nhà vua vẫn hiu quạnh, cô đơn, đã mấy mười năm rồi thưa thớt bóng dáng người thân ruột thịt ghé thăm. Những người con đất Việt, muốn đứng bên ngôi mô đơn sơ của nhà vua để thắp một nến hương tàn, nhưng khó lắm thay...

Di hài của nhà vua yêu nước ngày nào sắp được đưa về Huế, tin tức lan nhanh, những người dân cố đô thấp thỏm chờ đợi. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra về vấn đề bao giờ di hài nhà vua được đưa về nước và liệu có trở ngại gì không? Đã quá lâu rồi, di hài nhà vua vẫn còn lưu lạc nơi viễn xứ.

“Sống gửi thác về” vẫn là ước vọng ngàn đời của con dân Việt, đưa nhà vua về, đặt ông nằm vào lòng đất mẹ của quê hương, với sự thành kính của đồng bào, để hương hồn của nhà vua không còn hiu quạnh. Nhiều ý kiến đưa ra, nên đặt di hài vua Hàm Nghi ở đâu? Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề nghị nên xây dựng cho vị vua yêu nước một khu mộ riêng, gọi là khu lăng mộ của phong trào Cần Vương thay vì táng ở An Lăng. Đặt vấn đề này với ông Nguyễn Phúc Bảo Hiền, cháu nội của vua Thành Thái, “mệ” Hiền (người dân Huế vẫn xưng hô như vậy đối với những người trong hoàng tộc) cho rằng, nên an táng nhà vua Hàm Nghi ở An Lăng vì nơi đây có hai vị vua yêu nước là Thành Thái và Duy Tân.

Một góc An Lăng

Nguyên An Lăng là một sự “bất đắc dĩ” của triều đình nhà Nguyễn. Ngày 24/10/1884, vua Dục Đức chết đói trong ngục thất sau 7 ngày không được ăn uống. Thi hài của Dục Đức chỉ được bó sơ sài bằng một một chiếc chiếu giao cho hai tên lính gánh đi chôn. "Đám tang" của ông vua xấu số này được đưa về An Cựu để mai táng trong địa phận chùa Tường Quang (chùa do một người thân bên vợ của vua Dục Đức lập ra năm 1871). Gần đến nơi thì thi hài nhà vua bị rớt giữa đường do đứt dây, một người lính đã chạy vào chùa Tường Quang mời nhà sư trụ trì ra giải quyết.

Đêm đó, do đang là mùa đông nên trời mưa gió lạnh lẽo và ướt ác, mọi người bàn với nhau, có lẽ đây là chỗ nhà vua muốn an nghỉ, và họ nhất trí chọn nơi đây là mảnh đất “thiên táng” để làm nơi yên giấc nghìn thu cho vua Dục Đức. Nấm mồ của nhà vua chỉ được lấp đất qua loa cho xong chuyện. Sáu năm sau, do một hoàn cảnh oái ăm của lịch sử, người con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phước Bửu Lân được đưa lên ngai vàng (1889) với niên hiệu là Thành Thái. Vua Thành Thái bắt đầu cho xây đắp lăng mộ của vua cha ngay trên nấm mồ “Thiên táng” đó, và đặt tên là An Lăng nhưng chưa có điện thờ. Mọi lễ nghi thờ cúng vua Dục Đức đều được tổ chức ở chùa Tường Quang, cách đó 200m.

Vào năm Thành Thái thứ 11 (1899), nhà vua cho xây dựng tiếp điện Long Ân phía hữu lăng mộ, làm nơi thờ cúng vua cha. Ngoài điện Long Ân, vua Thành Thái còn cho xây cất các công trình phụ như Tả, Hữu Phối Đường (trước); Tả, Hữu Tùng Viện (sau) dành cho bảy bà vợ thứ của vua cha ăn ở, lo việc thờ phụng hương khói.

 So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Đức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn. Lăng gồm hai khu vực: điện Long Ân và lăng mộ vua cùng Hoàng hậu, đều lấy cồn Phước Quả ở đàng trước làm tiền án, khe Mụ Niệm chảy qua trước mặt làm yếu tố minh đường và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm hậu chẩm. Khu vực lăng mộ hình chữ nhật, có diện tích 3.445m², bên trong không có Bi Đình và tượng đá như các lăng vua khác. Năm 1953, vua Thành Thái được trở về nước, sống ở Sài Gòn. Ông mất vào năm 1954 và được Hoàng tộc rước thi hài về chôn trong khuôn viên của lăng Dục Đức. Sau khi vua Duy Tân chết bởi một tai nạn máy bay ở Trung Phi (1945), thì năm 1987, hài cốt nhà vua cải táng từ Trung Phi được đưa về chôn cạnh mộ vua Thành Thái. Hiện giờ An Lăng là khu mộ chung của ba thế hệ làm vua. Và rất nhiều người muốn an táng vua Hàm Nghi tại An Lăng. Tuy vậy nhiều ý kiến không đồng tình, họ nói, An Lăng bây giờ quá chật. Và cũng có một đề xuất khác: "Cần chọn vị trí (an táng Vua Hàm Nghi) thuận lợi cho việc xây dựng, chiêm bái, tham quan du lịch, phù hợp với vị trí của nhà vua trong lịch sử dân tộc. Có thể an táng di hài nhà vua trong khu đồi núi cạnh Nhà máy nước Vạn Niên và đồi Vọng Cảnh".

Ngày đưa di hài của vua Hàm Nghi trở lại cố hương sắp đến gần, còn nhiều ý kiến tranh cãi về việc nên đặt di hài nhà vua ở đâu để tương xứng với khí phách của một nhà vua yêu nước... (Hết)

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bai-cuoi-noi-an-nghi-nao-cho-vua-ham-nghi-d22906.html