| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 05:04

Việc làm

[Bài 1] Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa giúp người lao động vượt khó khăn

Thứ Ba 27/05/2025 - 17:27

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang trở thành cầu nối giúp người lao động ổn định, phục hồi, phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh thị trường việc làm còn nhiều thách thức.

Từ đầu năm đến nay, khoảng 43.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tiếp nhận tại TP HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Từ đầu năm đến nay, khoảng 43.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tiếp nhận tại TP HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Giữa biến động của thị trường lao động, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 và trước những thách thức mới như cắt giảm nhân sự, cơ cấu lại bộ máy hành chính, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã và đang trở thành điểm tựa quan trọng giúp hàng chục ngàn người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống và tìm lại công việc phù hợp.

Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là khoản trợ cấp tài chính mà còn là công cụ hỗ trợ toàn diện để người lao động ổn định lại cuộc sống.

“Bảo hiểm thất nghiệp góp phần đảm bảo một phần an sinh xã hội khi giúp người lao động vượt qua khó khăn tài chính, đồng thời hỗ trợ học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm mới”, bà Thục chia sẻ.

Hai năm sau dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn thành phố từng có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, bước sang năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, tỷ lệ thất nghiệp tại TP HCM giảm khoảng 13% so với cùng kỳ bốn tháng đầu năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực.

Dù vậy, bà Thục cũng cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng trở lại trong thời gian tới khi Mỹ áp thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu, cùng với việc tinh giản biên chế, cắt giảm công chức, viên chức trong bộ máy hành chính.

“Việc sắp xếp lại bộ máy khiến một lượng lớn người lao động khu vực nhà nước có nguy cơ mất việc. Đây là bài toán đặt ra cho thành phố và Sở Nội vụ cũng đã giao Trung tâm Dịch vụ việc làm sẵn sàng vào cuộc”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM nói và cho biết, khi có danh sách, số lượng cán bộ sau khi sắp xếp, nghỉ việc có nhu cầu tìm việc ở khu vực ngoài nhà nước, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ tiếp cận các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp như giải quyết trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề (nếu người lao động thuộc đối tượng hưởng), tư vấn giới thiệu việc làm.

Tính từ đầu năm đến nay, khoảng 43.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tiếp nhận tại TP.HCM. Dù ảnh hưởng của dịch không còn trực tiếp, nhưng những hệ lụy gián tiếp vẫn khiến nhiều người lao động khó khăn trong việc trở lại thị trường. 

Thất nghiệp là tình trạng không ai mong muốn, nhưng khi xảy ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp giống như một chiếc cầu nối, giúp người lao động không bị đẩy vào khủng hoảng. Không chỉ có tiền trợ cấp, họ còn có người đồng hành, có cơ hội định hình lại năng lực và quay lại thị trường lao động với một tâm thế mới.

Anh Đinh Thanh Dân (35 tuổi) đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Anh Đinh Thanh Dân (35 tuổi) đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Không chỉ là những con số thống kê, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã mang lại giá trị thực tế rất lớn đối với người lao động. Anh Đinh Thanh Dân (35 tuổi), họa sĩ 3D từng là trưởng nhóm thiết kế với thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng, đã quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm con nhỏ, nhường cơ hội nghề nghiệp cho vợ.

“Tôi suy nghĩ điều này suốt 2 năm trước khi nghỉ việc. Vì vợ đang làm việc cho 2 công ty, công việc rất bận nên tôi quyết định nghỉ việc trong thời điểm này. Nhất là khi biết đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp thì tôi mạnh dạn ra quyết định này. Qua tìm hiểu trên hệ thống VSSID, tôi nhận được 8 tháng hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Tôi thấy chính sách này rất nhân văn, hỗ trợ kịp thời giúp người lao động không quá lo lắng về tài chính trong giai đoạn tạm nghỉ việc”, anh Dân nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Ngọc Thiên Bưởu (38 tuổi, quận 1), công nhân sản xuất tại Công ty Dược Trung ương 25, sau hơn 10 năm làm việc, do cắt giảm lao động nên chị phải nghỉ việc và được nhận mức trợ cấp gần 4 triệu đồng mỗi tháng.

“Số tiền này rất có ý nghĩa khi tôi đang tìm kiếm công việc mới. Tôi cũng được Trung tâm hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm rất nhiệt tình”, chị Bưởu nói và cho biết, chị cũng được hỗ trợ học nghề để có thể tìm kiếm được công việc mới phù hợp hơn, với mức lương tốt hơn.

Không thể phủ nhận, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “phao cứu sinh” với nhiều người lao động trong giai đoạn khó khăn. Nhưng quan trọng hơn, đây là cơ chế hỗ trợ tái hòa nhập thị trường lao động một cách có định hướng, giúp người lao động không chỉ hưởng được trợ cấp mà còn tìm được hướng đi mới, bền vững hơn.

“Việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo theo phương châm 3 đúng “đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn”. 

Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ Bảo hiểm xã hội TP HCM trong việc thực hiện BHTN”, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM nói.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bai-1-bao-hiem-that-nghiep--diem-tua-giup-nguoi-lao-dong-vuot-kho-khan-d755110.html