| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 02/05/2025 - 21:24

Văn hóa

Bác Tôn

Thứ Tư 20/08/2008 - 08:00

Vâng, sau Bác Hồ, người Việt Nam mình còn gọi một người nữa là Bác viết hoa với tất cả niềm kính trọng và thân yêu, người đó là Tôn Đức Thắng – nguyên Chủ tịch nước.

Hình ảnh bác Tôn

Vâng, sau Bác Hồ, người Việt Nam mình còn gọi một người nữa là Bác viết hoa với tất cả niềm kính trọng và thân yêu, người đó là Tôn Đức Thắng – nguyên Chủ tịch nước.

Bác Tôn sinh ngày 20/8/1888 tại xã Mỹ Hoà Hưng thuộc thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang. Thân phụ Bác là cụ Tôn Văn Đề, mẹ là cụ Nguyễn Thị Di. Căn cứ vào ngôi nhà gỗ mà hai cụ làm năm 1887, nay đã được tu bổ và trở thành một phần của khu Lưu niệm mang tên Bác, thì có thể hiểu các cụ là bậc khá giả và hiền hậu. Có lẽ vì vậy mà tuy quê Bác nằm trên một bãi nổi của con sông Hậu, bị chia cắt với bên kia thị xã, nhưng Bác vẫn được ăn học thành tài. Vào năm 1906-1909, Bác theo học Trường Kỹ nghệ Viễn Đông, tương tự như cao đẳng kỹ thuật ngày nay nhưng một kỹ sư ngày ấy sáng giá hơn hôm nay rất nhiều. Nếu phục vụ trong hệ thống KHKT thời ấy, Bác có thể có mức lương đủ nuôi sống gia đình, có nhà lầu xe hơi, có thể nuôi thêm người giúp việc.

Nhưng Bác đã sớm có lòng yêu nước và hướng tới sự nghiệp mang lại cơm no áo ấm cho nhiều người hơn, cho quê hương đất nước.

Quê Bác Tôn còn có tên gọi là Cù lao Ông Hổ. Ngày nơi đây còn hoang vu, hổ còn về cư trú. Đó là bãi bồi do con sông Hậu, mang phần lớn nước và phù sa của nhánh sông Mê Kông là dòng Bác Sắc Hạ từ Campuchia đổ về chằm bặp vỗ nên. Sông Hậu ở chỗ này mênh mông, xa cách với bên kia thị xã nên tuy thuộc TP Long Xuyên mà người dân vẫn hiền lành chất phác. Chúng tôi qua phà, lên bờ định đi bộ cho đúng nghĩa hành hương đến nhà Bác. Nhưng hoá ra con đường còn xa. Một chị xe honđa lôi nói lên xe đi cho lẹ, kẻo tới nơi hết giờ. Tới nơi, chị chờ ở ngoài, chúng tôi đi hết các phòng của nhà Lưu niệm, thắp hương viếng các cụ thân sinh, thắp hương trước tượng Bác. Gần 2 giờ sau quay ra, chị lại chở ra bến, mà nói giá có “mười ngàn”. Tôi nhớ đúng hôm sau của ngày xăng lên 19 ngàn một lít!

Chị quả là xứng đáng của cư dân có tên làng tên xã "Mỹ Hoà Hưng!"

Tôi đứng trước tượng Bác. Bức tượng bán thân, bằng đồng đẹp và đặc biệt giống cái nét hiền hậu của người miệt vườn Nam bộ. Lòng sực nhớ ngày đầu tiên tôi được nhìn thấy Bác. Đó là một ngày hè những năm chống Mỹ, Bác đi công tác qua có ghé thăm người con nuôi là cô giáo Tôn Thị Tuyết Dung đang dạy chúng tôi ở trường Sư phạm Phú Thọ. Cô vốn họ khác, người Sài Gòn, khi đang học ở Khu học xá Nam Ninh Trung Quốc, Bác Tôn sang đấy có đến thăm trường. Hỏi có ai người Long Xuyên không? Không. Có ai ở Nam Kỳ không? Nữ giáo sinh Dung đứng gần nói: “Dạ có, có cháu người Sài Gòn.”

Vậy là sau đó Bác cho gọi lên ăn cơm với Bác cùng Ban giám hiệu nhà trường. Bác nhận cô Dung làm con nuôi. Cô Dung kể: “Tôi cứ tưởng ba tôi nói thế là nói thế, trên cương vị Chủ tịch MTTQVN và các chức vụ khác, làm sao ba còn nhớ câu chuyện của thoáng chốc. Nhưng hoá ra tôi nhầm. Tôi về nước, đi dạy ở xa Hà Nội, cũng không dám tìm gặp ba. Bỗng một hôm tôi nhận được thư ba, ngoài phong bì ghi rõ: "Văn phòng Phó chủ tịch nước gửi "Tôn Thị Tuyết Dung" (là cái tên họ ba đặt cho hồi bên Nam Ninh mấy năm về trước) làm tôi bối rối. Hoá ra ba cho hỏi bên giáo dục địa chỉ rồi chủ động nối lại tình nghĩa cha con. Từ bấy giờ, mỗi khi về Hà Nội, tôi đều đến thăm ba má.”

Bấy giờ tôi mới 17 tuổi, còn khao khát hiểu biết, có hỏi cô Dung về đời sống gia đình của một lãnh tụ. Cô nói: “Giản dị lắm, em à. Ba vẫn là một ông già Nam bộ, hiền lắm. Những giờ rỗi rãi, lại mang xe đạp của mấy con, có khi là xe đạp của mấy chú bảo vệ ra lau dầu. Xe của ai để bẩn, xích khô dầu, may ơ lọc xọc là ba la rầy. Rồi thay thế phụ tùng luôn, bao giờ xe quay tít vù vù, êm ro ro mới cười thật mãn nguyện. Em có khiếu văn, em cần nhớ nụ cười của tình yêu nghề, tình yêu con người và công việc. Nhưng có khi em phải thật trưởng thành đã, mới cảm thấy hết lòng yêu con người qua chỉ một nụ cười ấy thôi.

Mà em nhớ, có khi cả một ngày chủ nhật mùa hè nóng bức, cặm cụi sửa xe đạp miết dưới gốc cây, mà áo quần vẫn sạch bong. Đó, người thợ giỏi phải thế, không áo quần đầy dầu mỡ như mấy ông nhà văn hay tả đâu. Vì người giỏi nghề, biết vật gì để gần nhau, tháo nó ra để chỗ nào, đều phải có thứ tự, nên tốn rất ít thì giờ, tốn rất ít sức mà hiệu quả lại cao!”

Hôm Bác Tôn lên thăm cô Dung, Bác vận bộ đồ gụ, đúng là của ông già Nam bộ thật. Nhưng đẹp, tôi đoán là đồ lụa Tân Châu quê nhà. Bác cho con gái chai nước mắm nhãn Phú Quốc, lọ mắm thái Châu Đốc; cho con rể chai rượu vodka Nga. Độ 30 phút rồi đi ngay, giáo sinh đứng mãi ngoài xa, bảo vệ trường không cho lại gần. Tôi là học trò yêu của cả thầy Phạm Chu và cô Dung, nên được mời ăn cơm buổi tối hôm ấy. Tôi biết nước mắm lại sánh như mật ong là từ đó, còn mắm thái thì ngày ấy còn chưa dám ăn. Khi lớn lên mới ăn được và lập tức cảm nhận ngay đó chính là một đặc sản mê hồn của An Giang quê Bác. Tôi đoán qua con đường Phnompenh, người trong quê vẫn gởi đặc sản quê nhà ra biếu Bác. Và đó là món quà xứng đáng của quê hương.

Tôi gặp ở đây thân cái máy bay đã chở Bác cùng đoàn cán bộ cao cấp ngày trở lại với miền Nam sau 30/4/1975. Nhưng cảm động nhất là “gặp lại” hòm đồ sửa chữa lắp ráp xe đạp tại Khu Lưu niệm Tôn Đức Thắng của Bác Tôn - một vật dụng in vào trí óc còn trong veo của tôi suốt 40 năm qua, khiến người cứ run lên cảm động. Từ Khu Lưu niệm quay ra, tôi đứng lại một lúc trước ngôi nhà gỗ mà Bác đã ra đời, thì tôi liền hiểu, lòng yêu con người, tính tình hiền hậu chịu khó của Bác Tôn là từ đâu mà có. Lại đến khi ra tới bến phà bằng chuyến xe hon đa lôi của một chị nông dân Cù lao Ông Hổ, nghe chị nói “mười ngàn” sau gần 2 giờ phục vụ khách, tôi càng tin chắc chắn.

Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử gợi nhớ truyền thống quật khởi, hào hùng của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xiết bao xúc động và thành kính nhớ đến đồng chí Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ cách mạng tiền bối kiên cường, mẫu mực; tấm gương sáng tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh. Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng đầy gian lao, thử thách, đồng chí đã để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, trong đó có bài học về công tác tuyên truyền, giáo dục.

Đồng chí Tôn Đức Thắng là nhà lãnh đạo cách mạng trưởng thành trong phong trào đấu tranh của quần chúng. Những quan điểm và phương thức tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục của đồng chí hình thành trong chính thực tiễn sinh động mà ở đó, phong cách cá nhân toát lên từ tư chất, tính cách, bản lĩnh, năng lực tư duy, năng lực tổng kết thực tiễn kinh nghiệm, tình cảm, niềm tin cách mạng… và sự tiếp thu tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, giáo dục.

GS -TS Phùng Hữu Phú - Phó trưởng ban Tuyên giáo TW

 

 

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2008), sáng nay 20/8, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang sẽ long trọng tổ chức lễ viếng và dâng hương tưởng niệm Bác Tôn tại tượng đài của Người nằm ngay trung tâm TP Long Xuyên và đền thờ Bác Tôn nằm ở xã cù lao Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên). Buổi trưa và chiều cùng ngày sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Hội trường tỉnh An Giang.

LÊ HOÀNG VŨ

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bac-ton-d19321.html