Chủ nhật 18/05/2025 - 18:14
Pháp luật - Bạn đọc
Bắc Kạn: Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tiếp tục bị tàn phá
Thứ Ba 07/10/2008 - 12:00
Gỗ bị chặt hạ vất ngang nhiên giữa khu bảo tồn
Nạn khai thác gỗ trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tái diễn phức tạp. Việc xử lý chưa nghiêm đã khiến bọn lâm tặc khinh nhờn và tiếp tục hoành hành dữ dội...
Sau khi được phản ánh, lực lượng kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn đã vào cuộc điều tra. Tại đỉnh đèo Gốc Phát, thôn Bản Cào (xã Côn Minh, huyện Na Rì), Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn) đã phát hiện một đống gỗ khế rừng có khối lượng 11,7m3 gỗ xẻ (tương đương với gần 19 m3 gỗ tròn) đang chờ ô tô để trở đi tiêu thụ. Tuy nhiên, điều gây bức xúc dư luận là gỗ sau bị bắt (tang vật vụ án) đã được hợp thức hoá bằng cách xử lý hành chính và nhanh chóng bán lại cho "lâm tặc" với giá chỉ có 1,2 triệu đồng/m3, thấp hơn nhiều giá bán thực tế trên thị trường.
Trong tất cả các biên bản kiểm tra, hoá đơn bán tài sản tịch thu cho "lâm tặc", Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 đều ghi: “Số gỗ khai thác trái phép bị bắt là gỗ khế rừng, thuộc nhóm VI”. Trong khi đó, cũng tại thôn Bản Cào, Giấy phép khai thác tận thu, tận dụng số 81/UBND-GPKT ngày 30/6/2008, do ông Hoàng Văn Giáp – Phó chủ tịch UBND huyện Na Rì ký cấp cho chủ rừng là ông Lục Văn Bảy - Trưởng thôn Bản Cào lại ghi rất rõ: “Gỗ khế rừng thuộc nhóm IV”. Theo bảng giá khởi điểm lâm sản tịch thu sung quỹ Nhà nước của Quyết định số 2249/QĐ-UBND tỉnh Bắc Kạn ngày 22/9/2005, giá chênh lệch 1m3 gỗ nhóm từ IV đến nhóm VI là 200 nghìn đồng/m3.
Trong biên bản kiểm tra hiện trường tại khu rừng thôn Bản Cào ngày 28/8/2008, của Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 kết luận: "Không phát hiện cây rừng bị chặt hạ trái phép"! Tuy nhiên, theo sự dẫn đường của ông Sằm Duy Cách - Trưởng công an xã Côn Minh, chúng tôi leo rừng chưa đầy 10 phút từ đỉnh đèo Gốc Phát, thôn Bản Cào – nơi phát hiện 11,7m3 gỗ xẻ khai thác trái phép, đã đếm được nhiều cây rừng bị chặt hạ trái phép. Một khoảng rừng rộng chưa đầy 400m2 mà đã có 4 cây khế rừng cổ thụ, có đường kính khoảng 1 mét bị chặt hạ. Hiện trường còn lại chỉ là gốc, vỏ và cành cây... nằm ngổn ngang.
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà của Lục Văn Kiên - một trong 5 đối tượng đã đứng ra nhận là chủ sở hữu của số gỗ trái phép đã bị kiểm lâm bắt. Theo Biên bản vi phạm hành chính có ghi: Trong số gỗ khai thác trái phép bị bắt, anh Kiên có 15 hộp, với tổng khối lượng 2,141m3. Ngoài ra, trong biên bản ghi lời khai ngày 5/9/2008, tại Trạm kiểm lâm Côn Minh không chỉ anh Kiên mà cả 4 đối tượng còn lại đều khai: Số gỗ trái phép bị kiểm lâm bắt là gỗ “nhặt được” ở trên rừng, thấy có người mua kéo về bán.
"Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ rộng trên 14.700ha, nằm trên địa bàn các xã: Vũ Muộn, Cao Sơn (Bạch Thông); Lương Thượng, Ân Tình, Côn Minh... (Na Rì); là nơi lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú cùng với những giá trị sinh học phong phú, đa dạng. Khu bảo tồn này được các nhà khoa học đánh giá cao, nơi còn bảo tồn được những loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu như loài voọc má trắng, sóc, khỉ; nhất là loài dơi (được coi là đa dạng thành phần cao nhất Việt Nam). Ngoài ra, đây còn được coi là kho gỗ quý lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn, với hàng triệu cây cổ thụ hàng trăm tuổi như; đinh, lát hoa, trai, nghiến, thông núi..."
Nhưng khi chúng tôi hỏi anh Kiên về khối gỗ khai thác trái phép bị bắt, số tiền đã phải nộp phạt, và tiền mua lại 1m3 gỗ giá bao nhiêu, anh cũng không trả lời được, vì theo anh Kiên: Vụ việc xảy ra cách đây gần 1 tháng nên anh không còn nhớ! Để lý giải sự “vô lý này”, chúng tôi tìm đến nhà ông Lục Văn Bảy - Trưởng thôn Bản Cào, theo lời ông Bảy: “Đa phần các hộ trong thôn đều là hộ nghèo, tiền ăn chưa đủ lấy tiền đâu ra nộp phạt, sở dĩ 5 đối tượng có gỗ khai thác trái phép bị bắt có tiền nộp phạt và mua lại gỗ đều do bà Y ở xã Côn Minh - một trong những đầu nậu chuyên thu mua gỗ ứng trước, sau đó trừ vào tiền bán gỗ”.
Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, điều 19, quy định: Khai thác rừng đặc dụng (rừng Bảo tồn thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, du lịch...) trái phép từ 7 đến 10 m3 gỗ từ nhóm IV đến nhóm VIII bị phạt 2 triệu đến 4 triệu đồng/m3. Trong khi đó, không hiểu tại sao Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 chỉ phạt "lâm tặc" gần 1 triệu đồng/m3? Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, nếu khai thác rừng đặc dụng trái phép trên 10m3 sẽ bị xử lý hình sự. Theo giải thích của ông Vũ Minh Mẫn - Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2: Số gỗ vi phạm bị bắt là rất lớn, tuy nhiên đó là của 5 người nên không thể xử lý hình sự...
Dư luận cho rằng, phải chăng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, đã cố tình “hành chính hoá vụ án hình sự”?
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/bac-kan-khu-bao-ton-thien-nhien-kim-hy-tiep-tuc-bi-tan-pha-d22047.html