Thứ năm 17/04/2025 - 15:40
Thời sự Nông nghiệp - Môi trường
Ba giải pháp chuyển đổi hệ thống lương thực xanh, bền vững của Cần Thơ
Thứ Năm 17/04/2025 - 14:08
Lãnh đạo TP. Cần Thơ nhấn mạnh 3 giải pháp để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững tại hội thảo trong Hội nghị P4G.
- 'Vô Gạo Toàn Cầu' giúp lúa vô gạo nhanh, chắc sáng, tăng năng suất
- Nhiều giải pháp hỗ trợ TP Cần Thơ quản lý nước đô thị bền vững
- Được gì sau hơn 1 năm triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng?
- Dẫn đầu công nghệ di truyền và chọn giống

Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ. Ảnh: Tùng Đinh.
Sáng 17/4, bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, là đại diện địa phương duy nhất của Việt Nam có chia sẻ tại phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững", trong khuôn khổ Hội nghị P4G do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì.
Theo bà Điệp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển nông nghiệp xanh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là giải pháp bền vững để đảm bảo an ninh lương thực.
Những năm qua, TP. Cần Thơ đã có bước chuyển mới hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Và tại phiên thảo luận này, TP. Cần Thơ sẽ chia sẻ một số thực tiễn và kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp xanh đảm bảo an ninh lương thực.
TP. Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBCSL, với diện tích tự nhiên khoảng 144.000ha. Diện tích đất nông nghiệp khoảng 113.000ha, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 70.000ha, với sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn lúa/năm; diện tích cây ăn trái khoảng 26.000ha, với sản lượng trên 230.000 tấn trái cây các loại.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để phát triển theo xu hướng xanh.
"Các mô hình nông nghiệp xanh đang ngày càng được người nông dân quan tâm. Nhiều mô hình đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu", bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp thông tin.
Cụ thể, TP. Cần Thơ tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (gọi tắt là Dự án VnSAT) với tổng diện tích 38.863ha và 32.231 hộ nông dân. Thông qua việc tham gia Dự án đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật.
Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững", sáng 17/4. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo bà Điệp, phát huy kết quả của Dự án VnSAT, TP. Cần Thơ tiếp tục tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” với diện tích 48.000ha.
Ngay từ vụ hè thu năm 2024, TP. Cần Thơ xây dựng mô hình thí điểm với quy mô 50ha, sau đó mô hình nhân rộng với tổng diện tích 170ha. Tất cả các mô hình đều áp dụng giải pháp gieo sạ bằng cơ giới. Lượng giống gieo sạ: 60 kg/ha, giảm 40-50% lượng giống, phân bón giảm trên 30%, giảm 2-3 lần phun thuốc BVTV. Tất cả các mô hình đều áp dụng tốt giải pháp tưới ngập - khô xen kẽ.
Kết quả, việc ứng dụng công nghệ đã giúp giảm lượng nước tưới tiêu đáng kể, giảm phát thải khí metan. Về năng suất, cao hơn 0,3-0,7 tấn/ha so với nông dân canh tác theo phương thức truyền thống.
Về hiệu quả kinh tế, chi phí sản xuất giảm hơn 1 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn từ 1,3-6,5 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, mô hình tận dụng phụ phẩm rơm, nông dân trồng nấm, làm phân hữu cơ thu nhập tăng thêm 33 triệu/ha/3 vụ. Kết quả đo đạc phát thải khí nhà kính cho thấy mô hình giảm khí phát thải.
Đối với sản xuất cây ăn trái, người dân ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến về công nghệ giống, quy trình sản xuất, tự động hóa. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sinh thái để quản lý dịch hại tổng hợp. Nhiều vùng cây ăn trái đã tận dụng, khai thác và kết hợp thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen... tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường
3 giải pháp của Cần Thơ
Để hội nhập trong kinh tế nông nghiệp, cần có những bước đi mới và có tầm nhìn để chuyển đổi sang hệ thống lương thực thực phẩm xanh, ít phát thải và bền vững, TP. Cần Thơ xác định cần chú trọng triển khai thực hiện một số giải pháp sau.
Thứ nhất, tăng cường nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp thành phố chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu.
Thứ hai, về khoa học, công nghệ, sẽ tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân thông qua mạng lưới khuyến nông cộng đồng, giúp nông dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Thứ ba, giải quyết vấn đề thị trường cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ba-giai-phap-chuyen-doi-he-thong-luong-thuc-xanh-ben-vung-cua-can-tho-d748767.html