Thứ hai 21/04/2025 - 19:19
Thời sự
Ba cách tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường
Thứ Hai 21/04/2025 - 19:16
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề xuất ba cách tiếp cận mới về môi trường gồm: dự báo chủ động, dữ liệu cộng đồng, phòng ngừa bằng trí tuệ nhân tạo để có thể đi cùng với xu thế thế giới.
- Hợp tác Việt - Trung gìn giữ bầu trời xanh cho khu vực
- Lộ trình chống ô nhiễm của Bắc Kinh: [Bài 3] Việt Nam sẽ học hỏi được gì?
- Lộ trình chống ô nhiễm của Bắc Kinh: [Bài 2] Đột phá để ‘giành lại bầu trời xanh’
- Lộ trình chống ô nhiễm của Bắc Kinh: [Bài 1] Từ nơi 'tồi tệ nhất thế giới' đến thay đổi toàn diện
Ngày 21/4/2025, tại Hà Nội, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động quan trắc môi trường nói riêng, đồng thời Đoàn đã có buổi tham quan thực tế tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, đơn vị tích hợp và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham quan Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, đơn vị tích hợp và quản lý dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia. Ảnh: Khương Trung.
Buổi làm việc diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường và đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Tham dự Hội nghị có sự tham gia và đóng góp ý kiến của các đồng chí thành viên Đoàn giám sát tối cao và các đồng chí lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Quan trắc là nền tảng của công tác bảo vệ môi trường
Buổi làm việc nằm trong khuôn khổ Chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó hệ thống quan trắc môi trường được xác định là nền tảng dữ liệu phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng chính sách bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kiểm tra dữ liệu quan trắc được phân tích. Ảnh: Khương Trung.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã tham quan hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại được trang bị các thiết bị tiên tiến như máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, máy sắc ký khí, thiết bị phân tích dioxin, phân tích thành phần bụi PM2,5.
Đoàn cũng tham quan khu vực trung tâm tích hợp và xử lý dữ liệu quan trắc môi trường, nơi tiếp nhận thông tin từ hàng nghìn trạm quan trắc trên toàn quốc. Đoàn cũng đã nghe Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình bày báo cáo tổng quan về hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, định hướng hiện đại hóa, số hóa toàn diện hệ thống trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực lớn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc duy trì và phát triển hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, đồng thời nhấn mạnh: quan trắc môi trường là "đôi mắt" của công tác bảo vệ môi trường, là công cụ để giám sát thực hiện các quy định pháp luật, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, kiểm soát nguồn phát thải và kịp thời cảnh báo tới người dân. Do vậy, cần có chính sách đầu tư mang tính dài hạn, ổn định; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quan trắc môi trường; hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường tính ràng buộc trách nhiệm giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là địa phương.
Thông qua buổi làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn kiên định chủ trương phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào kỷ nguyên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống quản lý quốc gia thì cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho hoạt động bảo vệ môi trường để cải thiện chất lượng môi trường sống cho nhân dân.

Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Môi trường về công tác bảo vệ môi trường nói chung và hoạt động quan trắc môi trường nói riêng. Ảnh: Khương Trung.
Tham gia xây dựng các ý kiến cụ thể, Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nêu các vấn đề như việc xử lý nguồn nước, sau khi đã xử lý thì có thể quay lại tái sử dụng được không? Công tác tiền kiểm, hậu kiểm như thế nào; việc chia sẻ và công bố thông tin của các doanh nghiệp ra sao và những vấn đề này có phát sinh thêm thủ tục hành chính không?
Đại biểu cũng đặt vấn đề trong quy hoạch về quan trắc, có cần ban hành một chiến lược về ngành quan trắc trong giai đoạn tới không?
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huân, việc công bố thông tin hiện nay, người dân vẫn chưa được biết đầy đủ. Cần có truyền thông để người dân nắm bắt thông tin. Cần có hệ thống mạng thông tin minh bạch; phải xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam để tránh bỏ sót các đơn vị gây ô nhiễm.
Đại biểu Nguyễn Thị Nhị Hà cho rằng, cần rà soát cụ thể các chỉ tiêu để thực hiện đầy đủ Quyết định 224 của Chính phủ; Với các kiến nghị của Bộ như đầu tư ngân sách trung và dài hạn, quy định các hoạt động xã hội hoá để đầu tư vào hệ thống quan trắc, đại biểu cho rằng đây là đề xuất rất hợp lý để nâng cao công tác quan trắc của quốc gia. Cần có kiến nghị cụ thể về kinh phí và giải pháp.
Hiện đại hoá hệ thống quan trắc môi trường
Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đang được đầu tư theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã bố trí nguồn vốn đầu tư công, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động thêm nguồn lực từ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn như VinFast đã tham gia đầu tư, cho thuê hệ thống quan trắc và chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.
Tuy nhiên, không ít địa phương còn khó khăn trong tiếp cận thiết bị hiện đại. Bộ đã phối hợp với cơ quan chuyên môn để giám sát nghiêm các vấn đề trên
Về chia sẻ dữ liệu, Bộ xác định đây là yếu tố then chốt phục vụ thanh tra, kiểm tra và quản lý môi trường. Các thông số môi trường cũng đang trở thành chỉ tiêu cạnh tranh trong thu hút đầu tư, đặc biệt với các doanh nghiệp công nghệ cao. Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải theo hướng tiếp cận quốc tế đang được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các mô hình tuần hoàn nước thải cũng được khuyến khích nhân rộng.
Trong bối cảnh ô nhiễm xuyên biên giới gia tăng, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các trạm quan trắc trong và ngoài nước là xu thế tất yếu. Để đáp ứng yêu cầu mới, ngành quan trắc cần có chiến lược phát triển dài hạn, đồng bộ và minh bạch.
Ba cách tiếp cận mới trong quản lý môi trường
Sau một phiên làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đánh giá cao những trao đổi sâu sắc, toàn diện về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, một trong những thách thức toàn cầu, đồng thời cũng là ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong tiến trình phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.
Phó Chủ tịch Quốc hội thống nhất cao với các đại biểu rằng việc hoàn thiện khung pháp lý là cấp thiết, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện trong quản lý môi trường. Đây không chỉ là cập nhật các quy định mới, mà còn cần chuyển hóa tư duy quản lý từ thụ động sang chủ động, từ phản ứng sang phòng ngừa, đó chính là tinh thần xuyên suốt.
Trước thực trạng các vấn đề về môi trường hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội đưa ra ba cách tiếp cận mới trong quản lý môi trường, đó là: Từ đo lường để báo cáo sang đo lường để dự đoán và chủ động phản ứng, sử dụng trí tuệ nhân tạo; Từ dữ liệu chuyên gia sang dữ liệu cho cộng đồng, để người dân cùng tham gia giám sát và hành động; Từ phản ứng khi có sự cố sang phòng ngừa dựa trên trí tuệ nhân tạo.
“Tôi cho rằng, những hướng tiếp cận này thể hiện rõ quyết tâm đổi mới tư duy quản trị môi trường, không chỉ theo kịp mà còn có thể đi cùng với xu thế thế giới”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải chủ động trong việc liên thông dữ liệu liên ngành. Môi trường không thể tách rời y tế, giáo dục, nông nghiệp hay giao thông. Việc kết nối dữ liệu giữa các lĩnh vực là nền tảng để hình thành một hệ thống quản lý môi trường toàn diện, linh hoạt và có năng lực thích ứng cao.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Lê Minh Hoan cũng đã khẳng định vai trò của cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường. Không một chính sách nào có thể thành công nếu thiếu sự đồng hành của nhân dân. “Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, cũng như tạo điều kiện để người dân tham gia sâu hơn vào giám sát và phản biện chính sách”, ông nói.
Phó Chủ tịch cũng thống nhất với các ý kiến rằng cần thay đổi tư duy quản lý từ “kiểm tra – xử phạt” sang “hỗ trợ – đồng hành”. Trong đó ông nhấn mạnh, việc nhà nước đầu tư ban đầu hoặc có cơ chế ưu đãi để doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường là một hướng đi thực tế, nhân văn và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
“Chúng ta cũng không thể không nhắc đến vai trò của công nghệ, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Đây không chỉ là công cụ mà còn là động lực để hiện đại hóa toàn bộ hệ thống quan trắc, dự báo và quản lý môi trường”. Tuy nhiên, để công nghệ phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tăng cường đầu tư, đặc biệt là ở cấp địa phương, nơi thường xuyên thiếu nguồn lực duy tu và bảo trì hệ thống quan trắc.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ba-cach-tiep-can-moi-trong-bao-ve-moi-truong-d749495.html