Thứ tư 30/04/2025 - 14:14
Văn hóa
Ánh sao băng giữa đời
Thứ Năm 01/09/2022 - 08:55
Thế là Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh, đã mãi mãi ra đi. Một nữ nhà báo, một chiến sĩ, người đồng đội thân thiết của tôi đã ra đi

Nhà văn - Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.
Những năm 1959-1960, báo Tiền Phong thường tổ chức gặp mặt thông tín viên cuối năm, tôi gặp và quen với Dương Thị Xuân Quý ở đó. Ngày ấy báo Tiền Phong đóng trụ sở ở phố Phùng Hưng và tòa soạn rất chú ý công tác thông tín viên. Có một tờ tin in ronéo dày đến 20 trang, có tít Thông tín viên báo Tiền Phong in đỏ rất đẹp, ra hàng tháng. Tờ tin đó hướng dẫn nghiệp vụ, trao đổi và biểu dương các thông tín viên tích cực viết tin bài cho báo.
Các anh Lê Trân, Tạ Bảo, Mai Cát, Trường Sơn… thường gặp gỡ các thông tín viên. Anh Trường Sơn là người trực tiếp phụ trách Ban chăm lo thông tín viên. Ngày đó các tin bài của thông tín viên được đăng trên báo Tiền Phong, bên dưới còn có mở ngoặc đóng ngoặc ba chữ T.T.V (thông tín viên). Dương Thị Xuân Quý, Võ Khắc Nghiêm, tôi và một số anh chị em nữa thường được báo biểu dương là thông tín viên xuất sắc vì chúng tôi viết nhiều.
Ngày đó Dương Thị Xuân Quý vừa rời trường Trưng Vương Hà Nội để đi học Trung cấp mỏ ở Quảng Ninh, tôi thì ở đoàn địa chất trị thủy Sông Hồng. Có lẽ địa chất và Trường mỏ là chung ngành nên tôi và Quý hay trao đổi nhau. Có thể nói báo Tiền Phong là nơi khởi đầu và là bà đỡ cho những bài báo đầu đời của chúng tôi. Sau khi ra trường, Dương Thị Xuân Quý không làm nghề mỏ mà làm báo, chị về công tác ở báo Phụ nữ Việt Nam. Tôi cũng thỉnh thoảng có bài gởi cho báo Phụ Nữ Việt Nam thông qua Quý. Bài “Cô gái sông Hồng”, tôi viết về Phạm Thị Vách sau này được phong Anh hùng lao động là do Quý đặt bài và biên tập.
Đầu năm 1968, lúc này tôi được làm việc ở Ban miền Nam của Trung ương Đảng, về mặt Chính phủ là Ủy ban Thống nhất, Ban này vừa lo cho miền Nam nhất là tổ chức đưa cán bộ đi chiến trường miền Nam (gọi là đi B) và tổ chức các đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đi làm ngoại giao, kể cả hệ thống các sứ quán của cách mạng miền Nam.
Dương Thị Xuân Quý một lần đến gặp tôi hỏi ý kiến về việc Quý muốn được ra chiến trường. Tôi giật mình vì chồng Quý, nhà thơ Bùi Minh Quốc mới đi chiến trường hơn một năm. Tôi trấn tĩnh và cười đùa với Quý:
- Nhớ Bùi Minh Quốc nên xin đi chứ gì?
- Đó là lẽ đương nhiên, nhưng cái cháy bỏng của mình là được chiến đấu ở miền Nam.
Quý nói chắc nịch, tôi nhìn thân hình mãnh mai nhỏ nhắn của Quý với cả sự xúc động mãnh liệt trước ý chí sắt đó của Quý. Tôi nói: “Nhưng con của Quý còn bé quá (lúc đó con của Bùi Minh Quốc và Dương Thị Xuân Quý mới một tuổi), hơn nữa Quốc vừa đi chiến trường. Coi như nhà Quý đã có một chiến sĩ ở mặt trận”. Tuy nhiên tôi rất ủng hộ quyết tâm của Quý.
Dương Thị Xuân Quý cho biết chị đã có đơn gởi Trung ương hội Phụ nữ và Ban tổ chức Trung ương để xin đi B từ khi chưa lấy chồng, và Quý xác định: “Chiến trường máu lửa mới là nơi sức trẻ phải xông pha, và đó là đề tài, là cuộc sống người cầm bút đáng đến và đáng viết. Bây giờ với Quý không chỉ là lý tưởng, là yêu cầu cống hiến mà nó còn là máu thịt, là tình yêu. Anh Quốc đã vào chiến trường, mình vào nữa. Hai người sẽ tiếp sức cho nhau”.
Dương Thị Xuân Quý còn nói cả kế hoạch gởi con cho bà ngoại, và những quyết tâm. Tôi ngồi nghe nói như bị thôi mien, bởi vì ngày đó việc đi chiến đấu ở miền Nam, vì miền Nam luôn sục sôi trong mỗi chúng tôi. Cuối cùng tôi hoàn toàn ủng hộ việc Quý ra chiến trường. Tôi tư vấn thêm một số việc nhỏ chuẩn bị để ra trận...
Tháng 4 năm 1969, tôi được cơ quan cử đi mặt trận Khe Sanh, đây là chuyến đi B ngắn, nghĩa là vào công tác rồi ra. Cơ quan cần một số bài và ảnh chiến trường sôi bỏng để phục vụ cho công tác đối ngoại. Là người trong nhà và đi B ngắn nên tôi không phải tập trung ở Trường 105, nhưng cũng đến đó để được hướng dẫn cách hành quân, cách mang vác, cách ăn uống và nhất là kỷ luật hành quân. Tôi cũng là người được cơ quan giao chụp ảnh các đoàn đi B để lưu hồ sơ.
Ở trường 105, tôi gặp lại Dương Thị Xuân Quý. Chị đã được Trung ương quyết định cử vào Khu 5. Tôi nhớ chị được phân về chi 2, nhà ở gần bên suối. Quý tập trung gần cả tháng rồi. Trường 105 (ký hiệu T105) đóng ở khu rừng Xuân Mai tỉnh Hòa Bình, có địa hình giống như núi rừng ở chiến trường, cũng có hang đá, có suối, có núi và có rừng. Tại đây tôi đã từng tiễn Sơn Tùng, Tâm Tâm, Khải Hoàn, Mạnh Chẩn của báo Tiền Phong và Thiếu Niên Tiền Phong lên đường đi B.
Vào một sáng chủ nhật, trường cho xe đưa tôi về Hà Nội để nhận phim ảnh. Anh Văn- Hiệu trưởng trường nói với đồng chí lái xe: “Chúng tôi cho chị Dương Thị Xuân Quý về thăm con nhỏ 1 ngày, chiều mai nhớ đưa chị lên cùng nhé”. Thế là tôi cùng Quý đi cùng một chuyến xe từ Trường 105 về Hà Nội. Chiều hôm sau xe đến đón tôi ở cơ quan 56 Quốc Tử Giám, tôi ra xe đã thấy Dương Thị Xuân Quý và một đồng chí cũng được về phép đã có trên xe.
Trên đường trở lại trường, Quý cho biết chị phải mượn xe đạp của bạn để về nhà thăm con gái đang sơ tán. Quý nói nhiều về con gái Bùi Dương Hương Ly mới 16 tháng tuổi. Quý nói: “Lần này mình đi nó không khóc mới hay chứ”. Quý vô cùng thương yêu con gái. Việc một phụ nữ, một nhà báo nữ ra chiến trường đã là điều hiếm, là một hành động dũng cảm phi thường. Với Dương Thị Xuân Quý, sự dũng cảm còn đặc biệt và phi thường hơn, đó là phải để con gái mới một năm rưỡi tuổi cho mẹ để ra đi. Tôi nhìn Quý với cả lòng khâm phục và quý mến. Tôi nghĩ rằng với ý chí kiên cường đó chắc chắn Quý sẽ thành công. Tôi nhớ, đợt đi B cùng với Quý còn có nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền và một nhà báo ở báo Hà Tĩnh.
Một tuần sau đoàn lên đường theo đường dây. Chúng tôi chia tay Dương Thị Xuân Quý. Một tuần sau nữ, tôi lên đường. Chúng tôi đi B ngắn nên đi bằng ô tô đoạn từ Hà Nội vào đến Hà Tĩnh rồi đi bộ tiếp. Tôi nhớ sau khi vượt qua cổng trời cao chót vót, đá dựng đứng và trơn hơn trát mỡ, đoàn chúng tôi dừng chân ở binh trạm 20.
Tôi gặp lại đoàn đi Khu 5, Nam Bộ và gặp lại Dương Thị Xuân Quý. Mới chưa đầy một tháng hành quân, Quý gầy hơn, nhưng chắc khỏe. Chị khoe: “Mình leo qua cổng trời không bị ngã lần nào, có tài không?". Đồng chí trạm trưởng nghe vậy, liền nói: “Cô đã tốt nghiệp trường đại học Trường sơn rồi đó”. Quý cười.

Bút tích của Dương Thị Xuân Quý.
Tôi chia tay Dương Thị Xuân Quý và các bạn quen ở Trường 105 tại đây để vào Mặt trận Khe Sanh, Dương Thị Xuân Quý đi Khu 5, Diệp Minh Tuyền đi Nam bộ. Trước lúc chia tay, Quý bảo tôi bấm cho chị một kiểu ảnh.
Tôi chụp, Quý đội mũ tai bèo, cười tươi. Rủi thay chỉ chụp được một kiểu thì đúng lúc máy hết phim và không thể chờ được. Kiểu ảnh đó là tấm ảnh đầu tiên Quý ở chiến trường.
Giữa năm 1969 anh Lê Toàn Thư, Phó trưởng ban miền Nam, thủ trưởng của tôi có buổi làm việc với anh Bảo Định Giang, tiểu ban văn nghệ miền Nam của đảng đoàn văn nghệ Trung ương. Cùng tham dự có anh Hà Mậu Nha phụ trách phần xuất bản các tác phẩm miền Nam vừa từ chiến trường khu 5 ra. Cuộc họp bàn việc xuất bản các tác phẩm của văn nghệ sĩ miền Nam gởi ra.
Tôi nhớ hôm đó anh Lê Toàn Thư nói đại ý: các tác phẩm này đổi bằng máu xương, chúng ta phải trân trọng và phải in để không chỉ miền Bắc đọc mà phải in loại giấy mỏng, nhẹ để gởi vào chiến trường và dịch in gởi ra quốc tế (Ngày đó việc này được nước bạn giúp in nên rất đẹp). Hôm đó, tôi thấy có nhiều tác phẩm của các nhà văn có tên tuổi như anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng và nhiều tác giả trẻ. Tôi cảm động khi thấy có tác phẩm của Dương Thị Xuân Quý.
Anh Bảo Định Giang chuyền cho tôi bức thư của Dương Thị Xuân Quý. Thư của Quý viết:
“Miền Trung Trung Bộ, ngày 20 tháng 12 năm 1968
Kính gửi anh Bảo Định Giang, chị nói Lan và các anh, chị trong tiểu ban văn nghệ miền Nam.
Thưa các anh, các chị,
Em gửi anh Hà Mậu Nhai đem ra bài bút ký “Tiếng hát trong hang đá” này. Mong các anh chị đọc và xét xem có dùng ở ngoài đó được không?
Như vậy là em đã gửi ra ba cái cả thẩy. Hồi anh Quang Huy ra, em đã gửi hai truyện ngắn: "Hoa rừng" và "Niềm vui thầm lặng"
Mấy cái trên các anh trong này đã đọc, kể cả các anh Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Thái Nguyên Chung của quân đội.
Em gửi ra mong các anh, các chị gởi thơ vào cho nhận xét để em rút kinh nghiệm.
Kính chúc các anh, các chị khỏe.
Em
Dương Thị Xuân Quý
Tái bút: Tên mới: Dương Thị Minh Hương”.
Tôi đọc thư Quý và nhìn các tác phẩm từ miền Nam gởi ra mà lòng thấy rộn ràng vui như mình đang ở chiến trường. Những kỷ niệm về những ngày đội bom và sống gian khổ nhưng đầy thú vị hiện lên mồn một.
Cuộc họp sắp đến phần kết thúc, thì bên cơ yếu chuyển đến anh Lê Toàn Thư bức điện mật từ khu 5 gởi ra báo cáo công việc. Anh Thư đọc điện xong, nhìn một lượt chúng tôi, rồi anh đưa tay tìm tác phẩm của “Hoa rừng” Dương Thị Xuân Quý và nói: “Dương Thị Xuân Quý hy sinh rồi”. Anh Thư chuyền tay tác phẩm Hoa rừng cho nhà thơ Bảo Định với lòng xúc động và nói rõ: “Quý hy sinh ngày 8/3/1969”. Anh Bảo Định Giang cầm bản thảo Hoa Rừng của Quý nói trong nước mắt lưng tròng: “Đây là bó hoa cuối cùng của Quý gửi chúng ta”.
Anh Lê Toàn Thư, nén xúc động nói: “Cô Dương Thị Xuân Quý là một phụ nữ đặc biệt, ý chí và dũng cảm vô song. Năm ngoái khi viết đơn xin đi miền Nam chiến đấu, cô khẳng định rằng cô không sợ chết, chỉ sợ không được chiến đấu ở miền Nam”. Anh Thư nhắc gần như nguyên văn: "Cô ấy viết rằng: Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng”.
Tôi ngồi lặng đi không nói được câu nào vì quá xúc động. Thế là Quý đã hy sinh, đã mãi mãi ra đi. Một nữ nhà báo, một chiến sĩ, người đồng đội thân thiết của tôi đã ra đi, đã chiến đấu dũng cảm bằng ngòi bút của mình đến hơi thở cuối cùng. Dương Thị Xuân Quý đã làm một “ánh sao băng giữa đời” như Quý đã di bút khi ở Trường Sơn. Và rất đúng khi Đại tá, nhà văn lão thành Nguyên Ngọc nói: “Thật bất công nếu không gọi chị là một anh hùng”. Dương Thị Xuân Quý ngàn lần xứng đáng.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/anh-sao-bang-giua-doi-d331122.html