Thứ ba 29/04/2025 - 10:32
Văn hóa
Anh hùng buồng lái bước vào trong thơ
Thứ Ba 29/04/2025 - 10:29
Đại tá, Anh hùng LLVTND Đỗ Văn Chiến - con chim quả cảm trong lòng đồng đội một thuở chính là người lính Trường Sơn trong bài thơ 'Tiểu đội xe không kính'.
Anh hùng buồng lái...
Ông Đỗ Văn Chiến (sinh năm 1946, tại xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) lớn lên trong một gia đình Công giáo có truyền thống cách mạng. Tháng 9/1966, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giu-se Đỗ Văn Chiến tình nguyện nhập ngũ, trở thành chiến sĩ lái xe của Tiểu đội 101, Đoàn 559. Ngày hoàn thành khóa huấn luyện cũng là lúc người vợ trẻ sinh con gái đầu lòng.
Đảm nhiệm vận chuyển bộ đội, lương thực, vũ khí trên chiếc xe Zil-157, Đỗ Văn Chiến đã từng vượt qua trọng điểm lửa đạn Seng Phan (Lào) tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Nếu như chỉ tiêu đơn vị đặt ra là ba đêm một chuyến thì ông luôn hoàn thành ba chuyến trong ba đêm, không ít lần còn cứu cả đoàn xe giữa mưa bom bão đạn.

Ông Đỗ Văn Chiến trong những năm tháng lái xe tại Trường Sơn. Ảnh: Phạm Thứ.
Trên tuyến lửa Trường Sơn, đối mặt sinh tử là chuyện thường ngày. Trong một lần dẫn đầu đoàn xe, xe ông trúng bom tọa độ, ông và đồng chí phụ lái bị thương. Ngón tay áp út của ông gần như đứt rời, máu thấm ướt vô-lăng. Trước tình thế nguy cấp, ông tự giật đứt ngón tay còn dính, siết chặt tay lái, đưa đoàn xe thoát hiểm. Chỉ khi vào được nơi an toàn, ông mới gục xuống vì mất máu, sau đó được đồng đội công binh kịp thời đưa về bệnh xá cứu chữa.
Ông Chiến cho biết, những năm tháng trên đường Trường Sơn, chiến sĩ lái xe vừa là tài xế, vừa là thợ sửa xe. Sau mỗi trận bom, hỏng hóc xảy ra liên miên: lốp xẹp, cầu gãy, ắc quy chết… Trong điều kiện thiếu thốn, chỉ với bộ cờ lê, tuốc nơ vít, ông và đồng đội đã khắc phục sự cố trong đêm tối, bất chấp hiểm nguy. Giữa những lần sửa xe vội vàng trong rừng, ông bất ngờ gặp người em họ, cũng là lái xe tuyến lửa, òa khóc vì tưởng ông đã hy sinh. Thư từ thất lạc trong chiến tranh khiến những cuộc hội ngộ như vậy càng trở nên xúc động, ám ảnh.
Hơn 1.000 ngày đêm bám trụ trên tuyến lửa Trường Sơn, người lính trẻ Đỗ Văn Chiến đã kiên cường lập nên những thành tích xuất sắc, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tới 300%. Trong những tháng cao điểm, khi đồng đội bị thương nhiều, ông chủ động nhận thêm nhiệm vụ, có tháng vận chuyển tới 32 chuyến hàng. Với ông, động lực duy nhất để làm nên những điều tưởng chừng phi thường ấy chính là tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.
Nhờ thành tích nổi bật, ngày 22/12/1969, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Tiểu đoàn nơi ông công tác được mệnh danh là "Tiểu đoàn Đại bàng xanh", còn ông được đồng đội trìu mến gọi là "con chim đầu đàn quả cảm".

Tấm bằng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân được ông chiến treo phòng khách đầy trang trọng. Ảnh: Phạm Thứ.
Ông Chiến vẫn nhớ như in khoảnh khắc đặc biệt: Sáng hôm đó, vừa hoàn thành chuyến vận tải trong gió mùa Đông Bắc, trên gương mặt lấm lem bụi đất, ông bất ngờ được đồng đội và chỉ huy reo hò chúc mừng. "Lúc đó tôi còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Đến hôm sau, cầm tấm bằng Anh hùng trên tay, tôi cũng chưa thể tin nổi," ông xúc động kể.
...Bước vào trong thơ
Trong buồng lái của ông Chiến, nhà thơ Phạm Tiến Duậttừng nhiều lần ngồi cùng, đồng hành qua những trọng điểm ác liệt. Từ những trải nghiệm ấy, "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" đã ra đời, với hình ảnh nguyên mẫu chính là Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Chiến. Ông kể, ngày nghe nhà thơ đọc bài thơ lần đầu, ông lặng người vì xúc động, như thấy chính hình ảnh mình hiện lên qua từng câu chữ.

Ông Chiến và vợ trong thời gian ông đang công tác tại Tổng cục Hậu Cần. Ảnh: Phạm Thứ.
Sau ngày thống nhất, khi làm Trưởng ban Thanh niên của Tổng cục Hậu cần, ông từng gặp gỡ một số nhà báo Mỹ. Trước câu hỏi ngạc nhiên về việc ông chỉ mất hai đốt ngón tay giữa chiến tranh ác liệt, ông mỉm cười: “Trường Sơn rộng lớn như vậy, bom đạn của các anh không thể rải hết được”.Ông chia sẻ, nhờ kinh nghiệm tích lũy, ông và đồng đội thường chủ động chọn cung đường mà hôm trước Mỹ đã ném bom, bởi xác suất bị đánh tiếp là rất thấp. Bởi vậy, dù sốt rét, mưa bom bão đạn, họ vẫn quyết tâm chạy xe mỗi ngày, giành giật từng nhịp sống cho tuyến đường ra trận.

Đỗ Văn Chiến giới thiệu với phóng viên về bức ảnh chụp tại chiến trường, trong đó có ông và nhà thơ Phạm tiến Duật. Ảnh: Phạm Thứ.
Là người Công giáo, ông Chiến luôn giữ trọn truyền thống quê hương, tận tâm cống hiến cả trong chiến tranh lẫn cuộc sống đời thường. Sau ngày đất nước thống nhất, mỗi tuần ông đều đi lễ nhà thờ, lắng nghe tiếng kinh cầu, tiếng chuông ngân bên tượng Chúa, tâm niệm: "Đạo tại tâm, sống tốt đời, đẹp đạo".
Năm 1983, tại kỳ họp trù bị thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một linh mục từng hỏi ông: “Anh là đảng viên, sĩ quan quân đội, lại là Anh hùng LLVT nhân dân. Anh có định bỏ đạo không?”. Ông Chiến điềm đạm trả lời: “Thưa cha, luật pháp Việt Nam không có điều luật ấy”.
Năm 1993, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Giai đoạn sau đó, ông từng chạy xe ôm đưa đón trẻ em đi học với mức giá "tùy tâm" và kiêm luôn nhiệm vụ giữ gìn an ninh khu phố, có lần một mình đối đầu với cả chục đối tượng lưu manh. Trước khi về quê an dưỡng tại Nam Định năm 2017, ông từng đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (1997–2003) và Ủy viên Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa II và III.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/anh-hung-buong-lai-buoc-vao-trong-tho-d750476.html