Thứ năm 08/05/2025 - 07:12
Chăn nuôi
An toàn sinh học, 'lá chắn' phòng, chống dịch bệnh vật nuôi hiệu quả
Thứ Năm 08/05/2025 - 06:20
Không chỉ là 'lá chắn' phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học còn giúp người dân Khánh Hòa phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững.
Hiệu quả
Là hộ chăn nuôi có thâm niên hơn 15 năm, anh Nguyễn Văn Thịnh, ở thôn Tân Sinh, xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cho biết, trước đây, anh chăn nuôi lợn trong chuồng hở với quy mô khoảng 400 con/lứa.

Khánh Hòa đã phát triển nhiều trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học. Ảnh: KS.
Những năm đầu tiên việc nuôi lợn với anh Thịnh thuận lợi, hiệu quả, ít xảy ra dịch bệnh, nhưng dần về sau cách nuôi chuồng hở bộc lộ nhiều điểm yếu, dễ bị dịch bệnh tấn công và nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2017, anh Thịnh tạm dừng chăn nuôi lợn chuồng hở để tìm hướng khác. Đến 2019, sau khi tìm khu đất quy hoạch chăn nuôi ở thôn Thủy Ba, xã Cam An Bắc (Cam Lâm), anh Thịnh liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đầu tư nuôi lợn trong chuồng lạnh khép kín, quy mô 1.200 con/lứa.
Kể từ đó, việc chăn nuôi của gia đình anh đến nay không hề xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, tỷ lệ hao hụt thấp, trung bình từ 3-4%. Như lứa lợn mới đây anh xuất bán, tỷ lệ hao hụt chỉ 1%, mỗi con đạt trọng lượng trên 1 tạ sau 4,5 tháng thả nuôi.
Theo anh Thịnh, từ khi chuyển sang nuôi lợn trong chuồng lạnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, toàn bộ đầu vào, đầu ra của trại đều được giám sát chặt. Trên lối vào trang trại được bố trí hố nước vôi khử trùng tiêu độc cho phương tiện vận chuyển và người ra vào khu chuồng.
Đàn lợn giống được nhập từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam bảo đảm chất lượng, sạch bệnh. Quá trình nuôi, đàn lợn được tiêm đầy đủ vacxin theo đúng liều lượng và thời gian quy định. Khâu cho lợn ăn được áp dụng máng tự động giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người chăn nuôi, cũng như lãng phí thức ăn.
“Môi trường bên trong trại cũng được giám sát kỹ, các khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng, xử lý chất thải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ vậy trại ngăn chặn được dịch bệnh phát sinh”, anh Thịnh chia sẻ và cho biết thêm, nhờ chăn nuôi lợn hiệu quả nên mỗi năm anh thu lãi hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương với mức thu nhập tốt.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, thôn Tân Sinh, xã Cam Thành Bắc, Khánh Hòa cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học giúp kiểm soát tốt dịch bệnh. Ảnh: KS.
Tương tự, trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Hoàng Tuấn Minh, thôn Triệu Hải, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm cũng chuyển từ nuôi chuồng hở sang chuồng lạnh, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học khép kín khoảng 5 năm nay.
Tranh thủ thời điểm đã xuất xong lứa lợn, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của anh cảm nhận không gian ở đây thật thoáng đãng. Ngồi trước trại lợn nhưng không cảm thấy mùi hôi như nhiều khu vực chăn nuôi khác từng biết đến.
Anh Minh cho biết, trang trại của anh hiện nuôi quy mô nuôi khoảng 1.200 con lợn thịt/lứa. Do chăn nuôi quy mô lớn nên anh thực hiện chăn nuôi khép kín, quan tâm xử lý mùi và chất thải đàn lợn. Do vậy, ngoài đầu tư xây dựng khu vực xử lý chất thải, nước thải bằng hầm biogas, gia đình còn trồng nhiều diện tích cây ăn quả như xoài, bưởi, để vừa tạo bóng mát, cảnh quan, lại có tác dụng hút mùi, đồng thời có thêm nguồn thu nhập.
Theo anh Minh, sau 5 năm liên kết chăn nuôi lợn với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, anh rất yên tâm về đầu ra sản phẩm. Bên cạnh đó, nhờ được tập huấn kiến thức nuôi, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi thường xuyên sạch sẽ nên anh nuôi lợn phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh.
Đặc biệt, trong các đợt xảy ra dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, trại của anh vẫn không bị lây nhiễm. Nhờ đó, mỗi năm sau khi trừ tất cả chi phí từ xuất bán 2 lứa lợn, gia đình anh lãi từ 300-400 triệu đồng.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn Minh cho biết, nhờ chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả nên anh kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: KS.
“Lá chắn” phòng, chống dịch bệnh
Ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vệ sinh thú y cũng như quản lý nhằm giảm thiểu, loại trừ các tác nhân gây bệnh trên đàn vật nuôi, có khả năng lây nhiễm cho con người và gây hại đến môi trường.
Do đó, việc chăn nuôi an toàn sinh học sẽ đem lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, đây sẽ là “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi và giảm ô nhiễm môi trường.
Tại tỉnh Khánh Hòa, theo ông Khánh thời gian qua Chi cục và các địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học vào sản xuất.

Một trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.
Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 349 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại. Trong đó khoảng 80% tổng đàn lợn, 50% tổng đàn gà và 5% tổng đàn bò được nuôi trong trang trại có áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học.
Đáng chú ý có 14 cơ sở chăn nuôi đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh gồm 11 cơ sở chăn nuôi lợn, 2 cơ sở chăn nuôi gà và 1 cơ sở chăn nuôi đà điểu. Hàng năm, Chi cục đều thực hiện, kiểm tra, giám sát đánh giá định kỳ đối với 14 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định.
“Với việc thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học gắn kiểm soát dịch bệnh, hoạt động chăn nuôi ở các trang trại luôn ổn định, không xảy ra dịch, kể cả các loại dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm như dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm…”, ông Khánh chia sẻ.
Trước hiệu quả này, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học cho người chăn nuôi lồng ghép trong triển khai tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh động vật năm 2025.
Ngoài ra, Chi cục cũng sẽ phối hợp địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định số 106/2024/NĐ-CP ngày 01/8/2024 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; trong đó có chính sách hỗ trợ để khuyến khích thực hiện chăn nuôi theo tiêu chí an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học là một trong những định hướng của nhà nước nhằm thúc đẩy chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ đó giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời giúp cơ sở chăn nuôi có cơ hội tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/an-toan-sinh-hoc-la-chan-phong-chong-dich-benh-vat-nuoi-hieu-qua-d750629.html