Thứ bảy 26/04/2025 - 14:34
Pháp luật - Bạn đọc
Ăn óc bò khiến con thông minh?
Thứ Hai 08/07/2013 - 10:35
Tôi nghe nói khi mang bầu ở tháng thứ 2, thứ 3 mà bà mẹ hay ăn óc bò thì sau này đẻ ra con sẽ rất thông minh, điều này có đúng không?
* Tôi nghe nói khi mang bầu ở tháng thứ 2, thứ 3 mà bà mẹ hay ăn óc bò thì sau này đẻ ra con sẽ rất thông minh, điều này có đúng không?
Phạm Lan Hương, Phụng Hiệp, Cần Thơ.
Đây là lời đồn đại ít cơ sở khoa học, cũng giống như lời đồn đại là ăn trứng ngỗng làm con có làn da trắng đẹp.
Thực ra để sinh con thông minh thì việc bổ sung đủ protein và các axit amin đầy đủ sẽ góp phần tạo nên những thành phần chính của tế bào não. Protein có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu, đỗ, lạc ...
Ngoài ra còn cần lưu ý đến hai vi chất là sắt và acid folic. Sắt có vai trò rất quan trọng trong quá trình mang thai của phụ nữ. Bởi vì không chỉ đảm nhận vai trò quyết định trong quá trình tạo máu mà sắt cũng là thành phần ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi.
Do đó nếu mẹ bầu thiếu sắt sẽ vừa gây nguy hiểm cho mẹ, đồng thời tác động xấu đến trí tuệ của trẻ sau này. Vì thế nếu mẹ bầu muốn con mình phát triển toàn diện hãy bổ sung lượng sắt vào cơ thể thông qua các loại thực phẩm: Thịt, cá, các loại ngũ cốc, họ nhà đậu, và các loại rau có lá màu xanh thẫm.
Thiếu axit folic sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não và tủy sống, gây ra những khuyết tật về hệ thần kinh của thai nhi. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu cần tuyệt đối chú ý đến việc bổ sung axit folic.
Thiếu sắt hay thiếu axit folic sẽ dẫn đến thiếu máu. Đối với thai nhi thiếu máu do thiếu sắt và axit folic có thể gây suy dinh dưỡng bào thai, trẻ dễ bị sinh non, nhẹ cân.
Ngoài ra thiếu máu trong quá trình mang thai còn ảnh hưởng đến sự phát triển về thể lực và trí lực sau này của trẻ, cũng như ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo mọi phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên bổ sung 400mcg axit folic mỗi ngày nhằm giảm thiểu nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ.
Những thực phẩm sau đây chứa nhiều axit folic mẹ bầu có thể thêm vào thực đơn: Cà chua, quả bơ, hạt hướng dương, họ nhà cam, quýt, trứng, bánh mỳ và ngũ cốc...
* Cho cháu hỏi ngành lưu trữ học là ngành gì, đào tạo như thế nào và sau này ra trường thì xin việc vào đâu ạ?
Trần Văn Hậu, Thanh Miện, Hải Dương
Theo thông tin từ Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐGQG Hà Nội) thì học ngành Lưu trữ học, bạn không chỉ được được trang bị các kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn mà còn được trang bị các kĩ năng mềm để thích ứng với công việc tại các môi trường làm việc khác nhau.
Những người làm việc ở khu vực hoặc bộ phận văn phòng của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp; những người tổ chức, điều hành các nhân viên trong khu vực hoặc bộ phận văn phòng (Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Hành chính); thư kí văn phòng, là trợ lí hành chính cho các cấp lãnh đạo và quản lí. Những người phụ trách, quản lí công tác văn thư – lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; cán bộ/nhân viên văn thư – lưu trữ chuyên trách trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực hành chính, văn phòng, văn thư và lưu trữ.
Nếu theo học ngành Lưu trữ học, bạn sẽ được trang bị các kiến thức và kĩ năng về: Quản trị văn phòng, quản trị nhân sự, thư kí văn phòng, văn hoá công sở, lễ tân văn phòng, kế toán văn phòng, tin học văn phòng, soạn thảo văn bản, quản lí văn bản, lập hồ sơ, lưu trữ và tra tìm hồ sơ, tài liệu…
Bên cạnh đó, bạn còn được trang bị các kĩ năng mềm để thích ứng với công việc tại các môi trường làm việc khác nhau như: Kĩ năng giao tiếp, kĩ năng tham mưu, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng tổ chức sự kiện, kĩ năng thu thập và xử lí thông tin…Tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp: trên 90%.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/an-oc-bo-khien-con-thong-minh-d112243.html