Tiết kiệm 40 - 50%
Ông Quách Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn cho biết, chủ trương “khuyến khích nhân dân tham gia xây dựng các công trình giao thông nông thôn” được phát động cuối năm 2006. Từ đó đến nay thu hút nhiều cá nhân, tập thể, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, kiều bào ở nước ngoài cùng tham gia đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng hàng chục cây cầu nông thôn.
Theo Lâm Ngọc Tuấn - Phó trưởng Phòng Công thương huyện Thoại Sơn, với cách làm này nhà nước không can thiệp mà hoàn toàn do dân tự quản. Các đội thi công “dân lập” được chủ động thiết kế công trình, dự toán và vận động quỹ xây dựng, mua vật liệu và giám sát thi công…đúng theo quy chế dân chủ cơ sở. Bộ phận chuyên môn Phòng Công thương hỗ trợ lập hồ sơ và điều chỉnh kỹ thuật cho phù hợp với kết cấu từng công trình. Hiện, hai đội thi công “dân lập” có khoảng 20 công nhân do bác Tám Chuyền và anh Chín Hoa điều hành xây dựng cầu treo và bê tông cốt thép.Ông Phạm Thành Được - Trưởng phòng Công thương Thoại Sơn cho hay: Các công trình cầu nông thôn do dân làm, chất lượng đảm bảo và tiết kiệm 40-50% kinh phí so với công trình nhà nước.
Tự nguyện
Phong trào nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của, công sức xây cầu nông thôn đang phát triển ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Ông Nguyễn Ngọc Huy - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Định Mỹ cho biết, địa phương họp dân và thống nhất mỗi công đất sản xuất đóng góp 10.000 đồng (toàn xã có 29.000 ha tương đương số tiền 290 triệu đồng) để xây dựng hai cây cầu bê tông cốt thép, thay thế cầu gỗ đã hỏng. Khi khởi công xây dựng, đặt thùng quyên góp, mỗi ngày được vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, đủ tiền xây bốn cây cầu (trị giá 700 triệu đồng). Một tấm bản to dựng bên chân cầu Ba Thước vừa mới xây xong, chính quyền xã cho ghi tên công sức và tiền của của hàng trăm người đã đóng góp xây cầu...
Thoại Sơn là địa phương dẫn đầu tỉnh An Giang về xây dựng cầu đường nông thôn. Trước đây, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân đóng góp 60% và ngân sách Nhà nước 40% kinh phí xây dựng. Tuy nhiên, cách làm này chỉ mới huy động sức dân tại địa phương. Theo Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Lê Văn Nưng, chủ trương “xã hội hóa” là vận dụng tốt nguồn đóng góp sức dân và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân với nhiều thành phần cùng tham gia. Địa phương có chính sách khuyến khích “nhân dân vận động được 100 triệu đồng, ngân sách huyện sẽ hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như cầu, đường, trường học… và tổ chức lễ mừng công, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích”. Với chủ trương này đã phát huy sức mạnh của toàn dân cùng với Đảng và chính quyền xây dựng phát triển quê hương, đúng như lời dạy của Bác Hồ “ Việc gì có lợi cho dân, cho nước thì làm!”.
"Năm 2007, các đội thi công “dân lập” đã xây dựng 15 cây cầu bê tông cốt thép và cầu treo (kinh phí 1,558 tỷ đồng). Từ đầu năm 2008 đến nay, đã xây dựng và đưa vào sử dụng 14 cây cầu (gồm 7 cầu treo dây văng và 7 cầu bê tông cốt thép, kinh phí 4,313 tỷ đồng). Hiện đang thi công 11 cây cầu bê tông và cầu treo (kinh phí 2,77 tỷ đồng), dự kiến từ nay đến cuối năm xây thêm 12 cây cầu (3 tỷ đồng) do dân đóng góp".