Thứ ba 22/04/2025 - 13:45
Vật tư nông nghiệp
8 hội, hiệp hội tiếp tục đề xuất sửa đổi các bất cập về hợp quy
Thứ Ba 22/04/2025 - 13:12
8 hội, hiệp hội tiếp tục có văn bản kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi những bất cập trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa,...
- Gỡ điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón
- Hàng hoá Việt cạnh tranh yếu do nhiều luật bất cập 20 năm chưa sửa
- Doanh nghiệp kiến nghị hợp nhất luật, bỏ quy định công bố hợp quy
- 9 hiệp hội ngành hàng kiến nghị về bất cập trong hợp quy
8 hội, hiệp hội doanh nghiệp gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Hiệp hội Chè Việt Nam và Công ty TNHH Canon Việt Nam vừa có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiếp tục được các hội và hiệp hội đề xuất, kiến nghị điểu chỉnh.
Trong văn bản gửi tới Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội cho rằng, Dự thảo Luật hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập trong cách tiếp cận, chưa phù hợp thông lệ quốc tế, tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Một trong những vướng mắc lớn nhất được chỉ ra là quy trình công bố hợp quy hiện nay tới ba bước: doanh nghiệp công bố quy chuẩn áp dụng, xin chứng nhận hợp quy, rồi lại đăng ký chứng nhận hợp quy, nhưng lại thiếu khâu hậu kiểm.
Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, chỉ cần hai bước: doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn áp dụng, cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm là chủ yếu. Việc phân loại hàng hóa theo nhóm 1 (không có rủi ro) và nhóm 2 (có rủi ro) cũng bị cho là không có cơ sở khoa học, không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như ISO 9001, vốn phân loại rủi ro theo ba cấp độ: thấp, trung bình và cao, không có loại “không rủi ro”.
Các hiệp hội cho rằng, dự thảo còn thiếu quy định loại trừ đối với hàng xuất khẩu và nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị nhập khẩu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu vốn không lưu thông trên thị trường nội địa. Do vậy, các doanh nghiệp đang bị buộc phải tuân thủ đồng thời cả quy chuẩn Việt Nam và nước nhập khẩu, gây chi phí cao, khó khả thi và không cần thiết.
Theo các hội, hiệp hội, các quy định mới phát sinh nhiều điểm nghẽn, cản trở sản xuất, kinh doanh, đi ngược lại với các chỉ đạo cải cách của Tổng Bí thư, Quốc hội và Chính phủ.
Chẳng hạn, Điều 28 quy định bắt buộc sử dụng nhãn điện tử, hộ chiếu số, mã truy xuất nguồn gốc… với mọi sản phẩm, trong khi quốc tế chỉ khuyến khích áp dụng và để doanh nghiệp lựa chọn. Điều 34 yêu cầu báo cáo định kỳ về chất lượng hàng hóa nhập khẩu dù doanh nghiệp đã khai báo với hải quan.
Đặc biệt, Điều 46 coi toàn bộ thực phẩm là hàng hóa có rủi ro cao, kéo theo yêu cầu đăng ký khiến thủ tục hành chính tăng gấp 9 lần so với hiện tại, khi chỉ 10% thực phẩm cần đăng ký. Điều này khiến doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, vốn chủ yếu là vừa và nhỏ, sẽ gặp khó khăn lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ tăng chi phí, các chuyên gia còn cho rằng, dự thảo đang đi ngược lại chủ trương chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điều 5 quy định tiếp tục duy trì tiền kiểm với hàng hóa rủi ro cao.
Điều 45, khoản 5 “Việc kiểm tra chất lượng có thể thực hiện bằng hình thức kiểm tra điện tử”: Quy định này là không có hiệu quả, vì kiểm tra hồ sơ giấy thì không thể xác định được sản phẩm chất lượng tốt hay xấu, do các sản phẩm giả thường có hồ sơ đẹp.
Một vấn đề lớn khác là sự thiếu rõ ràng về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý chất lượng hàng hóa. Trên thực tế, nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng không được xử lý triệt để do chồng chéo hoặc đùn đẩy giữa các cơ quan chức năng.

8 hội, hiệp hội kiến nghị một loạt giải pháp nhằm sửa đổi triệt để các điểm nghẽn thể chế liên quan đến hợp quy sản phẩm.
Trước những bất cập đó, 8 hội, hiệp hội đã kiến nghị một loạt giải pháp nhằm sửa đổi triệt để các điểm nghẽn thể chế.
Kiến nghị đầu tiên là gộp Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật thành một chương trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để tạo tính thống nhất trong quản lý. Tiếp đến là bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy, thay bằng yêu cầu doanh nghiệp thông báo quy chuẩn áp dụng, trừ các sản phẩm đặc biệt theo luật chuyên ngành.
Ngoài ra, thay vì chia hàng hóa theo nhóm 1 và 2, kiến nghị phân loại rủi ro theo thông lệ quốc tế: thấp, trung bình, cao; quản lý theo ba tiêu chí: rủi ro bản chất hàng hóa, mức độ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và tiền sử tuân thủ, cùng cảnh báo quốc tế.
Với hàng hóa có nguy cơ thấp và trung bình, doanh nghiệp được miễn tiền kiểm hoặc chỉ kiểm tra với tần suất thấp; còn hàng hóa rủi ro cao thì tiền kiểm chặt và hậu kiểm kết hợp.
Đặc biệt, các hiệp hội đề xuất quy định rõ: nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu không phải tuân thủ quy định với hàng hóa lưu thông trong nước. Đồng thời, đề nghị không bắt buộc áp dụng mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, hộ chiếu số, mà chỉ nên khuyến khích thực hiện để tránh tăng chi phí và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các điều kiện kinh doanh hoặc thủ tục hành chính bất hợp lý nên được rà soát, loại bỏ để đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trước đó, hồi tháng 3, 9 hội, hiệp hội các ngành hàng gồm: Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Thú y Việt Nam, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thuốc Thú y Việt Nam, Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn toàn thực phẩm Việt Nam cũng đã có công văn kính gửi Tổng Bí thư Tô Lâm kiến nghị, đề xuất về việc sửa đổi, hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan tới vấn đề hợp quy theo hướng thông thoáng, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/8-hoi-hiep-hoi-tiep-tuc-de-xuat-sua-doi-cac-bat-cap-ve-hop-quy-d749555.html