Thứ bảy 19/04/2025 - 16:23
Chăn nuôi
7 thách thức với ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam
Thứ Tư 16/04/2025 - 15:53
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam muốn phát triển bền vững phải vượt qua 7 thách thức lớn.
- Lâm Đồng khôi phục đàn bò sữa sau dịch bệnh
- Chăn nuôi Vĩnh Phúc gặp khó ló khôn: [Bài 4] Không gì bằng nuôi bò sữa
- Chăn nuôi Nghệ An vươn tầm từ 'đầu tàu' Tập đoàn TH
- Mê đắm ngắm đàn bò sữa tỷ đô của TH Group
Tại Hội thảo đổi mới sáng tạo trong chăn nuôi bò sữa Việt Nam - Hoa Kỳ do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức ngày 16/4, tại Hà Nội, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thông tin, trong 10 năm trở lại đây, tổng đàn bò sữa của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, đạt tăng trưởng bình quân 4,6%/năm (từ 228.000 con năm 2014 lên khoảng 335.000 con (năm 2024). Tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng gần gấp đôi so với năng suất, đạt gần 8,4%/năm (từ 550.000 tấn năm 2014 lên hơn 1,2 triệu tấn năm 2024).

Ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua do có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa. Ảnh minh họa.
Kết quả này phản ánh quá trình tư nhân hóa, công nghiệp hóa cao nhất trong ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam với sự tham gia đầu tư có hệ thống của các doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa như Vinamilk, THmilk, Mộc Châu...
Tuy nhiên, ông Chinh cũng cho rằng, tiêu thụ sữa, sản phẩm sữa của người Việt Nam còn khiêm tốn (khoảng 27-28 lít/người/năm) so với thế giới. Sản xuất sữa tươi nguyên liệu trong nước mới đáp ứng khoảng 40% nên chúng ta nhập khẩu sữa, sản phẩm từ sữa từ 849 triệu USD (năm 2016) lên 1.129 triệu USD (năm 2024), với tốc độ tăng trưởng 3,6%/năm. Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là sữa bột các loại từ nhiều nước như New Zealand, châu Âu, Hoa Kỳ, Nga…
Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi bò sữa trong nước dự báo sẽ đối diện với 7 thách thức lớn: Sản lượng sữa tươi trong nước thấp; cạnh tranh gay gắt; cạnh tranh về giá; chi phí marketing cao; rào cản pháp lý; biến động thị trường; thách thức chuỗi cung ứng.
Muốn vượt qua những thách thức này, cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện các khoản hỗ trợ có mục tiêu thông qua hệ thống khuyến nông các cấp cho người chăn nuôi bò sữa để đầu tư vào các giống bò năng suất cao, thiết bị chăn nuôi hiện đại và cải thiện quản lý thức ăn. Điều này có thể bao gồm các khoản vay lãi suất thấp, giảm thuế và thanh toán trực tiếp dựa trên chất lượng và sản lượng sữa.
Bên cạnh đó, thành lập và tài trợ các chương trình giống quốc gia, tập trung vào phát triển các giống bò sữa phù hợp với khí hậu Việt Nam và có tiềm năng sản xuất sữa cao. Điều này bao gồm các dịch vụ thụ tinh nhân tạo, truyền cấy phôi và các sáng kiến cải thiện di truyền.

Bên cạnh những cơ hôi, chăn nuôi bò sữa trong nước dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa.
Đồng thời, rà soát và điều chỉnh các chính sách sử dụng đất để tạo điều kiện phân bổ, chuyển đổi, thuê đất phù hợp cho các trang trại bò sữa quy mô lớn. Điều này có thể liên quan đến việc đơn giản hóa quy trình thu hồi đất và cung cấp hợp đồng thuê đất dài hạn. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ chăn nuôi bò sữa, chẳng hạn như cải thiện mạng lưới đường giao thông, cung cấp điện ổn định và tiếp cận nguồn nước sạch ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, mở rộng và nâng cao các chương trình đào tạo cho người chăn nuôi bò sữa về kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, quản lý sức khỏe động vật và các hoạt động bền vững. Tăng cường các dịch vụ khuyến nông để cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn liên tục. Đặc biệt, khuyến khích người dân thành lập các hợp tác xã chăn nuôi bò sữa để cải thiện sức mạnh thương lượng, khả năng tiếp cận nguồn lực và chia sẻ kiến thức…
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/7-thach-thuc-voi-nganh-chan-nuoi-bo-sua-viet-nam-d748537.html