Thứ bảy 10/05/2025 - 12:18
Khoa học - Công nghệ
5 vũ khí Trung Quốc bị tố sao chép của Mỹ
Thứ Tư 05/04/2017 - 19:59
Trung Quốc gần đây chế tạo được nhiều vũ khí, khí tài hiện đại, trong đó có nhiều mẫu bị nghi ngờ sao chép công nghệ của Mỹ.
Trong quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, ngành công nghiệp quốc phòng nước này phải vật lộn để theo kịp yêu cầu về công nghệ. Để đối phó với lệnh cấm vận vũ khí của phương Tây, Trung Quốc được cho là đã tìm cách đánh cắp hoặc sao chép nhiều bí mật công nghệ để cho ra đời nhiều hệ thống vũ khí có hình dáng, tính năng tương tự của Mỹ, theo National Interest.
Tàu đệm khí Type-726
Được giới thiệu năm 1987, tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) của hải quân Mỹ là sản phẩm mang tính cách mạng trong tác chiến đổ bộ. LCAC có thể chở 75 tấn hàng hóa, khi tài, di chuyển với tốc độ 74 km/h từ ngoài khơi leo lên bãi biển phục vụ các chiến dịch đổ bộ. Loại phương tiện này giúp quá trình chuyển quân và hậu cần diễn ra nhanh hơn nhiều so với tàu đổ bộ thông thường.
Tàu đệm khí Type-726 Yuyi của Trung Quốc được coi là bản sao chính xác của LCAC Mỹ, dù có kích thước nhỏ hơn và mang được ít hàng hơn. Tàu đệm khí Trung Quốc chở được tối đa 60 tấn, tương đương một xe tăng chiến đấu chủ lực Type-99 được trang bị đầy đủ. Type-726 có thể được triển khai từ tàu đổ bộ Type-071 và Type-075 trong những chiến dịch ở nước ngoài.
Súng trường Norinco CQ 5.56
Súng trường AR-15 được Eugene Stoner phát triển với vai trò là hỏa lực hạng nhẹ cho quân đội Mỹ. Qua nhiều lần cải tiến, các phiên bản quân sự của AR-15 như M-16 và M-4 đang được trang bị đại trà cho các quân binh chủng Mỹ.
![]() |
Súng trường CQ 5.56 của Trung Quốc được cho là sao chép từ AR-15 Mỹ. Ảnh: Blogspot. |
Tập đoàn Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc (Norinco) trong hàng chục năm qua sản xuất và xuất khẩu khẩu súng trường CQ 5.56 có ngoại hình và tính năng giống gần như hoàn toàn khẩu AR-15, ngoại trừ ốp lót tay có kiểu dáng kềnh càng, lạc hậu.
Ngày nay quân đội Trung Quốc và một số đơn vị cảnh sát chống khủng bố vẫn sử dụng phiên bản CQ 5.56 nòng ngắn hiện đại hóa.
Tàu khu trục Type-052D
Lớp Arleigh Burke của Mỹ là những tàu khu trục đầu tiên được chế tạo trên nền tảng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Radar AN/SPY-1D đặt ở phần thượng tầng được thiết kế để đối phó với các cuộc tấn công đường không quy mô lớn. Lớp Arleigh Burke trở thành mẫu tàu khu trục thành công nhất của Mỹ kể từ Thế Chiến II, với 62 tàu được đóng.
Tàu khu trục lớp Type-052D của Trung Quốc dường như lấy cảm hứng từ lớp Arleigh Burke. Chúng được trang bị radar mảng pha lớn lắp ngay dưới đài chỉ huy. Type-052D chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phòng không hạm đội, kết hợp hệ thống cảm biến hiện đại với tên lửa phòng không tầm xa HQ-9.
Tàu cũng mang tên lửa chống hạm, đồng thời có khả năng mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất và trực thăng cho nhiệm vụ chống ngầm. Type-052D không phải bản sao chép trực tiếp vũ khí Mỹ, nhưng được chế tạo dựa trên mô hình sử dụng tàu khu trục đa năng để bảo vệ các tàu chiến cỡ lớn do Mỹ xây dựng.
Xe đa dụng EQ2050 Mengshi
Mỹ phát triển, biên chế xe đa dụng cơ động cao mang định danh M998 Humvee từ năm 1984. Đây được coi là hậu duệ của dòng xe Jeep thời Thế chiến II, có kích thước và trọng tải lớn hơn.
Hãng AM General đã cố gắng bán Humvee cho Trung Quốc vào những năm 1980, nhưng quân đội nước này cho rằng xe quá lớn và cồng kềnh. Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khiến họ thay đổi suy nghĩ.
Một chiếc Humvee và vài phiên bản thương mại bị Trung Quốc tháo ra và sao chép để trở thành mẫu xe EQ2050 do tập đoàn Đông Phong chế tạo.
Vào thời điểm này, ngành công nghiệp Trung Quốc không có khả năng sản xuất bản sao động cơ Humvee, trong khi Đông Phong không thể mua động cơ quân sự do lệnh cấm vận. Thay vào đó, tập đoàn Cummins của Mỹ cung cấp động cơ diesel cho Trung Quốc với điều kiện nó được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự. Đông Phong lách lệnh cấm vận bằng cách sản xuất một phiên bản dân sự, sau đó tập trung số động cơ còn lại cho mẫu EQ2050 quân sự.
Trực thăng cỡ trung Z-20
Quân đội Mỹ đưa trực thăng UH-60 Black Hawk vào hoạt động từ năm 1979. Mẫu phi cơ này có thể đưa nhiều binh sĩ đi xa và nhanh hơn dòng UH-1 trước đó. Black Hawk đã tham gia nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ trên khắp thế giới.
Trung Quốc chế tạo phiên bản sao chép UH-60 mang tên Harbin Z-20, xuất phát từ đơn hàng 24 chiếc S-70C Black Hawk được đặt trước lệnh cấm vận vũ khí. Mẫu Harbin Z-20 có một số thay đổi đáng chú ý so với bản gốc Black Hawk, bao gồm hình dạng buồng lái, thiết kế đuôi và nhất là cánh quạt.
Z-20 sử dụng bộ cánh quạt 5 cánh, thay vì 4 cánh như Black Hawk nguyên bản. Loại trực thăng này được phát triển trong nhiều năm, nhưng không tham gia vào các hoạt động nổi bật của quân đội hay cảnh sát Trung Quốc.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/5-vu-khi-trung-quoc-bi-to-sao-chep-cua-my-d190871.html