| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 14/05/2025 - 18:51

Trồng trọt

30 năm khai thác hồ thủy lợi Dầu Tiếng: Hiệu quả hơn, lo lắng hơn

Thứ Tư 30/09/2015 - 08:56

Với dung tích 1,58 tỷ m3, hồ Dầu Tiếng là kho nước ngọt lớn nhất không những với Việt Nam mà cả với Asean. 

Không chỉ các địa phương hưởng lợi trực tiếp: Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, hồ chứa này còn gián tiếp làm thay đổi bộ mặt Nam bộ nhưng cũng mang đến nỗi phập phồng “quả bom nước” mỗi khi vào mùa mưa bão.

Hiệu quả hơn

Với người làm báo thì hồ Dầu Tiếng là cột mốc quan trọng vì đây là lần đầu tiên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vay được tiền của Ngân hàng Thế giới.

Với người làm công tác thủy lợi thì nhớ mãi tình huống oái oăm năm 1978 khi Bí thư tỉnh Tây Ninh, tỉnh được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án lại là người phản đối kịch liệt. Còn với người nội trợ như vợ tôi thì chẳng quan tâm đến chính sự nhưng 20 năm nay, cứ mùng bốn Tết là bả lại nấu một nồi canh măng tươi với cá.

Sau mấy ngày ăn nhiều thịt, bụng dạ cứ ấm ách việc có chất xơ đúng lúc mang đến cảm giác tuyệt vời. Mà không những chỉ đến Tết Nguyên đán, từ ngày có nước hồ Dầu Tiếng, người dân Sài Gòn đã quen với việc ăn măng tươi quanh năm. 

Xuất xứ măng tươi trái vụ là ở Tây Ninh, Củ Chi, nơi những vườn tre đang xơ xác vì nắng hạn chỉ cần khơi nhẹ là dòng nước mát từ hồ Dầu Tiếng đã ùa vào. 

Không chỉ có măng, Tây Ninh còn là địa phương dẫn đầu cả nước về năng suất và sản lượng sắn. Năng suất sắn 35-40 T/ha với Tây Ninh là chuyện thường. Lý thuyết trồng sắn làm đất bạc màu không còn đúng, người dân không những bón phân đầy đủ mà còn tưới phun nên rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 11 tháng xuống còn 7 tháng, thu hoạch xong lại trồng tiếp. 

Tây Ninh còn là thủ phủ của mía đường. Trước đây năng suất cũng chỉ lẹt đẹt 60 T/ha nhưng từ năm 2005 thực hiện chủ trương đưa mía xuống ruộng để hưởng nước tưới tự chảy từ hồ Dầu Tiếng năng suất vọt lên trên 100 T/ha. 

Không có nước Dầu Tiếng thì Củ Chi không có đàn bò sữa lớn nhất nước, không có thương hiệu Bò tơ Củ Chi, không có vườn lan cắt cành, không có vùng rau màu và vườn cây ăn trái đang được chuyển đổi hàng ngày sang du lịch sinh thái. 

Không có nước Dầu Tiếng thì 3 huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức (Long An) không có vùng màu rộng tới 29.078 ha (trước đó chỉ 6.500 ha) và diện tích lúa đông xuân của 3 huyện này cũng không thể tăng từ 10.000 ha lên 50.000 ha. 

Không có nước Dầu Tiếng thì TP.HCM sẽ bị khát 4 tháng do nhà máy nước Tân Hiệp phải đóng cửa vì nhiễm mặn. Trên sông Sài Gòn, nước Dầu Tiếng cũng đẩy mặn từ Thủ Dầu Một xuống Lái Thiêu, trên sông Vàm Cỏ mặn cũng bị đẩy từ Gò Dầu xuống Đức Huệ. 

06-34-11_nhn
Nhờ nước hồ Dầu Tiếng mà vùng đất khát Củ Chi hiện phát triển nhiều vườn cây ăn trái và đang được chuyển sang phục vụ du lịch sinh thái

Tổng hợp năm 2014, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng đã cấp nước tự chảy cho 153.800 ha, tạo nguồn nước tưới cho 93.954 ha, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp 104,01 triệu m3/năm, sử dụng 91,58 triệu m3 đẩy mặn trên sông Vàm cỏ đông, 37,044 triệu m3 đẩy mặn trên sông Sài Gòn, duy trì và nâng cao mực nước ngầm. Hiệu quả kinh tế xã hội do hồ Dầu Tiếng mang lại thật lớn lao, năm sau cao hơn năm trước. Thật khó hình dung nếu cuộc sống không có hồ Dầu Tiếng.

Lo lắng hơn

Ngày 26/7/2015, thông tin tràn ngập báo mạng khi hai thiếu nữ tuổi trăng tròn ở TX Tây Ninh đi tắm sông bị cuốn trôi do hồ Dầu Tiếng xả lũ. Tai nạn đuối nước thương tâm trên xảy ra khi trước cả tuần lễ tất cả các địa phương đã nhận được thông báo và hồ chỉ xả theo quy trình với lượng 100 m3/s, chỉ bằng 3,5% so với thiết kế. 

Đập tràn xả lũ của hồ Dầu Tiếng được thiết kế xả 2.800 m3/s xuống sông Sài Gòn qua Bình Dương về TP Hồ Chí Minh rồi ra biển. Thiết kế trên dựa vào tần suất lũ và địa hình, địa mạo của hạ du sông Sài Gòn 40 năm trước khi đang còn hoang vu, còn ngày nay tiến trình đô thị hóa nhanh, “tấc đất tấc vàng”, hành lang thoát lũ bị lấn chiếm, thu hẹp, công trình cản trở dòng chảy san sát nhau. Bởi vậy điều chắc chắn là nếu hồ Dầu Tiếng xả lũ theo thiết kế thì “không biết điều gì sẽ xảy ra”. 

30 năm qua, từ tháng 7 đến tháng 12, năm nào hồ cũng xả lũ nhiều lần theo quy trình nhằm giảm lượng nước trong hồ để chuẩn bị đón đợt lũ mới hoặc buộc phải xả lũ khẩn cấp, tuy nhiên chưa có lần nào dám xả quá 400 m3/s nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn bị ngập nhiều nơi. 

Điều đặc biệt là trong quy hoạch chống ngập của TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng phê duyệt thì cao trình của đê bao cũng chỉ chịu được lũ trên sông Sài Gòn mức 800 m3/s. 

Với khả năng thoát lũ như hiện nay chắc chắn hồ Dầu Tiếng sẽ không chịu nổi những cơn mưa lớn 500-600 mm, thậm chí cả nghìn mm một ngày như mới xảy ra ở Quảng Ninh, Quảng Ngãi.

Trong cơn biến đổi khôn lường của khí hậu hiện nay nhà nước cần phải có quyết sách ngay cho hồ Dầu Tiếng xả lũ an toàn.

GS.TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội KHKT thủy lợi TP HCM: "Giải pháp nâng cao dung tích phòng lũ là khả thi nhất"

06-34-11_gsts-nguyen-n-nien

Được biết Hội KHKT Thủy lợi TP.HCM có đề xuất giải pháp nâng cao dung tích phòng lũ cho hồ Dầu Tiếng. Xin GS cho biết cụ thể hơn về giải pháp này?

GS.TS Nguyễn Ân Niên: Hồi giữa năm 2013 Hội KHKT Thủy lợi tổ chức Hội thảo về công trình thủy lợi Dầu Tiếng với mục tiêu tìm cách giảm xả lũ từ hồ xuống hạ lưu nhằm tránh ngập lụt hạ lưu đe dọa TP.HCM. Vấn đề là khi có sự cố cửa van của hồ năm 1986, lượng nước chỉ xả xuống hạ lưu với lưu lượng lớn nhất là 580m3/s trong vòng chưa tới 30 giờ mà vào chu kỳ triều kém vẫn gây nên ngập lụt lớn ở TP.HCM (Củ Chi, Q.12, Bình Thạnh, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương), tổng lượng xả không tới 60 triệu m3. 

Theo tính toán của chuyên gia để chống ngập cho hạ lưu sông Sài Gòn lượng xả không thể vượt quá 300m3/s (sau này vào 2014 thành phố có công văn đề nghị hồ không xả quá 200m3/s). Trong lúc đó theo thiết kế với lũ tần suất 1% (xảy ra 1 lần trong chuỗi 100 năm) là tới 2.800m3/s! 

Thế nhưng cũng theo thiết kế phần dung tích chống lũ của hồ chỉ có 163 triệu m3 (từ mức nước hồ bình thường 24,4m lên mức phòng lũ 25,1m). Cho nên với trận lũ lớn như hồi tháng 10/1952 với lưu lượng tự nhiên 4.000m3/s và tổng lượng hơn 1,4 tỷ m3 thì mức phòng lũ 25,1m là quá ít. 

Sau lần nâng cấp hồ vào những năm 2000 mức phòng lũ đã nâng lên 26,9m (ở mức ngập toàn bộ đảo Nhím nơi Cty AVG trước đây định lập phim trường, tổng lượng phòng lũ nâng lên 600 triệu m3) chúng tôi thấy vẫn chưa đủ nên sau khi đi thực địa chúng tôi thấy có thể nâng lên mức 28,8m để có dung tích phòng lũ khoảng 1,2 tỷ m3. Bấy giờ cần phải nâng cấp hồ, chống thấm, gia cố đập và cửa van; ước tính cần đầu tư khoảng 500-600 tỷ đồng. 

Có ý kiến cho rằng việc nâng cao thêm đập rất tốn kém, thiệt hại nhiều do tăng diện tích ngập và có thể không cần thiết. Ý kiến của GS về vấn đề này?

GS.TS Nguyễn Ân Niên: Như trên đã nói tốn phí nâng lên mức chứa 28,8m khoảng 500 tỷ đồng để bổ sung cọc nhồi gia cường độ ổn định của 26km đập đất, làm tường trên đỉnh đập đón nước cao và chống sóng tràn, lát mái đập (đã lát tới cao trình 26m), gia cố trụ cửa van… 

Theo khảo sát của Cty tư vấn xây dựng thủy lợi 2 (HEC II) thì do bờ hồ có độ dốc lớn nên diện tích ngập thêm không quá 300ha (diện tích mặt hồ là 2.700ha). Còn việc có cần thiết hay không thì tôi xin miễn bình luận. 

Để đảm bảo hồ xả lũ an toàn liệu còn giải pháp nào khác, giải pháp nào là khả thi nhất. Tại sao?

GS.TS Nguyễn Ân Niên: Thành phố có chỉ đạo nghiên cứu biện pháp phân chậm lũ ở hạ du. Các khu chậm lũ dự kiến ở các huyện Dương Minh Châu, Trảng Bàng (Tây Ninh), Dầu Tiếng (Bình Dương), Củ Chi (TP.HCM); đường phân lũ qua Rạch Tra. Cần đầu tư đắp đê khoanh các vùng chậm lũ; nâng đê dọc sông Vàm cỏ đông từ Bến Đình đến Đức Hòa; nạo vét - mở rộng và làm một số công trình cống đập trên tuyến Rạch Tra. 

Kinh khí phải kể đến hàng nghìn tỷ đồng, chưa nói đến tổn thất lớn cho nhân dân trong vùng quy hoạch làm khu chứa chậm lũ. Tóm lại phương án nâng cấp hồ Dầu Tiếng là khả thi hơn. 

Xin cảm ơn ông!

 

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/30-nam-khai-thac-ho-thuy-loi-dau-tieng-hieu-qua-hon-lo-lang-hon-d150282.html